Được biết, ngày 27/5 đã hỗ trợ kịp thời tại điểm cách ly y tế phường 3, Gò Vấp 40kg rau củ, 2500 hộp cá hộp, mì gói, nhu yếu phẩm khác. Khi nhận được sự ủng hộ của các mạnh thường quân, xuất phát từ sự ủng hộ thực phẩm tươi sống của một chị doanh nghiệp nên các thành viên trong Hội nảy sinh ý định sẽ nấu ăn cho các anh em chiến sĩ tham gia trực chốt giao thông. Hội đã nấu 240 suất ăn mặn đã gửi tặng Công An quận và Ban chỉ huy Quân sự, Gò Vấp.
Để việc nấu ăn được thuận tiện những ngày sau đó, Hội đã thành lập “Bếp nhỏ Hội em” và đỏ lửa đến nay được 14 ngày. Mỗi ngày bếp cung cấp 105 suất cơm chiều đến các anh em làm nhiệm trực chốt cách ly y tế thuộc các phường.
Sau khi tinh thần ấy được lan tỏa từ Hội, đến nay quận Gò Vấp đã nhận được sự ủng hộ đồng hành của rất nhiều tấm lòng vàng về nhu yếu phẩm. Hội đã nhận được 10 tấn rau củ, 5 tấn gạo, 500 thùng mì tôm,… Tài khoản An Vui do MC Đại Nghĩa chủ quản đã đồng hành cùng với Hội tặng 900 suất cơm mỗi ngày 100 suất từ ngày 7/6 -15/6.
Mô hình “Tủ bánh mì nghĩa tình” và “Gian hàng 0 đồng” – “San sẻ yêu thương, lan tỏa ấm áp” để không ai bị bỏ lại trong mùa dịch Covid!
Đó là tinh thần nhân đạo của Hội LHPN phường Tây Thạnh, quận Tân Phú nhằm mục đích hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong khu cách ly và người dân trên địa bàn phường vượt qua mùa dịch. Hội LHPN đã cùng nhau xây dựng mô hình “Gian hàng 0 đồng – Trao yêu thương” và “Tủ bánh mì nghĩa tình”.
“Khi chung tay góp phần cùng cả nước chống dịch, tôi cảm thấy rất vui và tự hào, tự hào vì được sinh ra và lớn lên trong một đất nước tràn đầy tình yêu thương cùng trái tim ấm áp của mọi người. Khi mọi thứ đã được chuẩn bị tất cả chúng tôi bắt tay ngay vào từng công việc, người thì nấu những bữa cơm ngon với đầy đủ chất dinh dưỡng cho lực lượng trực tại các khu bị phong tỏa, người thì trao những ổ bánh mì nghĩa tình đến người dân khó khăn, cơ nhỡ, chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho gian hàng 0 đồng, để người dân trong khu vực bị cách ly tới nhận. Bên cạnh đó, Hội còn làm và tặng miễn phí “Tai giả” hỗ trợ đeo khẩu trang cho tuyến đầu chống dịch,…”, chị Phí Thị Ngọc Yến – Chủ tịch Hội LHPN phường Tây Thạnh, quận Tân Phú chia sẻ.
Ngày 4/6, gian hàng 0 đồng được đưa vào hoạt động tại khu cách ly hẻm 229/40 Tây Thạnh, khu phố 4 đã được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Ban điều hành khu phố 4 cùng các chị em hội viên Chi Hội phụ nữ nên gian hàng đã được tổ chức thành công tốt đẹp.
Ngay sau đó, UBND phường Tây Thạnh và các ban ngành đoàn thể phường cùng nhau chuẩn bị thêm rau củ quả, mì, gạo, trứng, khẩu trang và 100kg cá sa pa đông lạnh chất lượng, cùng các nhu yếu phẩm cần thiết trong mùa dịch để gian hàng được phong phú, đa dạng hơn. Ngoài ra, các đoàn thể còn tích cực đi vận động mạnh thường quân, người góp công, người góp của để gian hàng 0 đồng – lan tỏa yêu thương đến mọi người không chỉ trong khu cách ly phòng dịch mà còn đến với người dân lao động nhập cư khó khăn trong mùa dịch Covid-19.
Nhờ vào tất cả sự cố gắng từ hệ thống chính trị chỉ trong 3 ngày phường Tây Thạnh đã mở thêm các gian hàng lưu động tới 7 điểm cách ly và 1 khu dân cư có nhiều lao động nhập cư khó khăn. Đặc biệt, Ban điều hành các khu phố đã vận động tiền, nhu yếu phẩm, rau sạch từ mọi người và các mạnh thường quân để bà con trong khu cách ly phòng dịch cảm thấy ấm lòng hơn.
Bếp cơm vui vẻ 0 đồng 7 – tràn đầy tình thương
Được thành lập hơn một năm qua, chị Diệu Đài và chị Hạnh Phạm cùng những tấm lòng thiện lương của các chị em, từ khi thành lập tới nay cứ hễ vào các thứ 2, 4, 6 bếp ăn sẽ phát tặng 100 phần cơm chay tới bà con có hoàn cảnh khó khăn tại Vĩnh Lộc A, Bình Chánh. Bếp có địa chỉ C4/40B đường Nguyễn Thị Sưa ,ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh.
Từ khi hay tin TPHCM bước vào đợt dịch lần thứ 4, các chị em của Bếp càng tích cực dành thời gian nhiều hơn để hỗ trợ phát tặng cơm và khẩu trang cho bà con các khu vực cách ly phường Tây Thạnh, quận Tân Phú; liên khu 4-5 Bình Tân, Võ Văn Vân, Vĩnh Lộc B, Bình Chánh. Và sẽ tiếp tục hỗ cho các khu cách ly khác, góp phần chung tay tiếp sức vượt qua giai đoạn khó khăn Covid này.
“Biết là rất nguy hiểm nhưng tôi và các chị em không cầm lòng được khi tận mắt nhìn thấy mọi người đang rất khổ, họ rất cần sự hỗ của mọi người. Mặc dù bếp lúc này thiếu nhân lực phụ nấu, nhưng khi chứng kiến dịch mỗi ngày một tăng bà con mỗi ngày một khó khăn nên Bếp quyết định hỗ trợ ngay và liền các khu vực bị cách ly. Tinh thần tưong thân tương ái tiếp sức cho bà con khu vực bị cách ly vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid được dâng cao hơn bao giờ hết: Với tiêu chí: “Bếp là nơi gắn kết – Sẻ chia – Yêu thương”, chị Diệu Đài và Hạnh Phạm cho biết.
Thổi bếp hồng, ấm yêu thương
Đó là tình cảm của Hội phụ nữ xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, với các hoạt động nhanh chóng, kịp thời cùng TPHCM vượt qua đại dịch.
Mang theo tinh thần ấy, dự kiến phu nữ xã Xuân Thới Sơn sẽ trao 1000 xuất ăn chia sẽ đến các hộ dân đang sống tại khu cách ly. Riêng Chi hội 5 mỗi tuần trao tặng khoảng hơn 100 suất và đã hoàn thành tốt chỉ tiêu đặt ra.
“Là Chi hội trưởng Hội phụ nữ của Ấp 5 địa bàn xuân Thới Sơn và cũng là khu vực cách xa trung tâm thành phố hơn so với các Chi hội khác. Nhưng với thông điệp lan tỏa yêu thương, những thực phẩm đó cũng được mang đến trao tận tay cho những gia đình gặp khó khăn. Làm được điều đó tất cả đều nhờ sự san sẽ phía các anh chị em mạnh thường quân và bạn bè, mọi người đã đồng hành góp sức của mình chia sẻ những bữa cơm nghĩa tình và những xuất ăn đến các cô các chú anh chị đang sống tại khu vực đang bị cách ly”, chị Thanh Hoa, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ của ấp 5 xã tại Xuân Thới Sơn chia sẻ.
Trong suốt thời gian qua, ngoài những suất ăn đã được trao gửi đến khu cách ly, địa phương cũng đã trao gửi cho các hội viên phụ nữ sinh sống trên địa bàn ấp 5 xã Xuân Thới Sơn đang gặp khó khăn vì mất việc trong thời gian giãn cách xã hội với gần 900kg rau củ quả, 3000 khẩu trang và 150kg gạo.
Với những việc làm của các chị em Hội LHPN các quận tại TPHCM phần nào nói lên được tinh thần tương thân tương ái đùm bọc lẫn nhau trong lúc khó. Tất cả vì một Việt Nam thân yêu, một đất nước nhất định sẽ chiến thắng đại dịch Covid.
Phạm Lê Nhân