Khi cuộc chiến Covid-19 vẫn chưa chấm chứt hẳn, Scott Galloway viết Thời kỳ hậu Corona với góc nhìn tổng quát về kinh tế – xã hội cho chúng ta biết những gì đã, đang và sắp diễn ra trên thế giới.
Đầu tháng 3/2020, virus Corona xuất hiện, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người trên toàn thế giới. Những tác động đã cho thấy con người không sống trong một hệ thống bất khả biến và rất mong manh.
Khác với hầu hết các cuốn sách viết về dịch bệnh dưới góc nhìn khoa học hay của các chuyên gia dịch tễ, Thời kỳ hậu corona được viết bởi Scott Galloway – doanh nhân và là giáo sư đang giảng dạy, cuốn sách phơi bày mọi thứ hậu Covid-19 qua lăng kính kinh doanh. Vì thế, tác phẩm này dành cho nhiều đối tượng, đặc biệt là các lãnh đạo doanh nghiệp, và các cấp quản lý chiến lược.
Tác giả đã chia ra các giai đoạn và nêu lên những nội dung để độc giả có cái nhìn khái quát về nền kinh tế và cách giải quyết các vấn đề.
Trong sách Thời kỳ hậu corona, Scott Galloway diễn giải và lột tả những mặt trái về kinh tế – xã hội mà trước giờ con người không nhận ra khi thế giới chưa xuất hiện đại dịch Covid-19. Ông cho rằng giải pháp cốt lõi trước đại dịch không chỉ là vaccine, mà là sự thích ứng của con người với cái mới.
Bên cạnh đó, sách còn cho độc giả thấy được sự lạc quan trong hiểm cảnh. Chương Trong nguy nan có cơ hội, Scott Galloway đã mô tả việc người Mỹ thích nghi và thay đổi khi đại dịch xảy ra như thế nào: “Cơn đại dịch vẫn lóe một tia sáng xé toang đám mây u ám. Người Mỹ thoáng chốc đã tiết kiệm nhiều hơn và thải ra ít chất ô nhiễm hơn” hay “việc bắt buộc áp dụng phương pháp học tập từ xa có thể thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học nhờ chi phí thấp hơn và tỷ lệ nhập học cao hơn…”.
Điều đáng lưu ý ở cuốn sách là những phân tích rất thú vị và thực tiễn về những mô hình kinh doanh tiêu biểu và về ngành giáo dục đại học, để từ đó gợi ra những ý tưởng kinh doanh mới, những xu thế trong tương lai và những thay đổi tiềm năng vào thời kỳ hậu Corona.
Sau cùng, thông điệp mà Scott Galloway gửi gắm trong Thời kỳ hậu corona là: “Ẩn sâu dưới những thay đổi này, việc lớn lên trong một cuộc khủng hoảng toàn cầu có thể sẽ tạo ra một thế hệ chín chắn, có cách nhìn nhận mới mẻ về cộng đồng, về tinh thần hợp tác và đức hy sinh – một thế hệ tin rằng lòng thương không phải là điểm yếu và giàu có không phải là lợi thế”.
H.N