Theo Missosology, Sally-Ann Fawcett – người từng làm giám khảo Miss Great Britain và Miss International – đã xuất bản cuốn sách Misdemeanours: Beauty Queen Scandals (tạm dịch: Những bê bối của nữ hoàng sắc đẹp).
Nội dung bên trong vén màn câu chuyện hãm hại, đấu đá nhau ở các cuộc thi hoa hậu. Sally-Ann Fawcett khẳng định hầu hết thí sinh luôn tỏ ra hòa đồng, cạnh tranh công bằng, nhưng những hành động đen tối phía sau vẫn ngấm ngầm diễn ra.
Nữ tác giả nói từ thập niên 1960 – 1970, các cuộc thi hoa hậu đã rất được coi trọng. Bởi vậy, những cô gái tìm mọi cách để có thể chạm đến chiếc vương miện cao quý, kể cả việc chà đạp đối thủ.
Vào thời đại bây giờ, chuyện trên vẫn gây tranh luận không hồi kết. Mới đây nhất, cộng đồng mạng có dịp bàn tán sôi nổi xung quanh bê bối của Miss Universe lần thứ 69 vừa khép lại hôm 16/5.
Chiếc váy bị cắt nát trong Miss Universe 2020
Kết thúc chung kết khoảng hai tuần, lần lượt các thí sinh Miss Universe 2020 đã tiết lộ câu chuyện chơi xấu phía sau hậu trường.
Thông qua phần Q&A trên Instagram, Radinela Chusheva – đại diện Bulgaria kể thí sinh Puerto Rico (Estefanía Soto) định mặc bộ váy xanh cho vòng chung kết. Tuy nhiên, bộ váy đã bị cắt nát nên Soto phải dùng thiết kế khác có màu trắng để trình diễn dạ hội. Thiết kế này vốn dĩ được Soto dự tính diện ở hoạt động bên lề.
Chuyện cắt váy cũng được đại diện Romania và Bolivia xác nhận. Trong đó, thí sinh Bolivia nói trên livestream: “Tôi chứng kiến nhiều hành vi xấu xa và xin xác nhận toàn bộ là thật. Tôi cũng biết chuyện nhiều cô gái không dám lên tiếng cho phía Miss Universe. Tôi từng tin mọi thứ tốt đẹp cho đến lúc biết vụ cắt váy, ban tổ chức nên kiểm tra lại từng thí sinh”.
Người đẹp Bolivia nói rằng sớm muộn gì mọi người cũng sẽ rõ ai là thủ phạm. Dưới bài viết của cô, hàng loạt bình luận viết có kẻ đã đổ dầu vào giày của đại diện Peru, nghi vấn thí sinh Philippines, Jamaica bị phá trang phục dân tộc. Tuy nhiên, thông tin này chưa được người trong cuộc xác thực.
Hiện tại, WWE/IMG – đơn vị giữ bản quyền tổ chức Miss Universe, giữ im lặng trước những ồn ào.
Trong 74 thí sinh dự thi mùa này, Ivonne Cerdas – đại diện Costa Rica – dính nhiều bê bối nhất, đặc biệt là tại thời điểm cô đăng quang cuộc thi cấp quốc gia.
Tháng 11/2020, chiếc vương miện Miss Costa Rica thuộc về Cerdas trong sự phản đối kịch liệt từ khán giả và thí sinh khác. Cô gái 27 tuổi bị tố khai gian trình độ học vấn và thông tin làm việc cho công việc phần mềm. Cô bị các thí sinh đánh giá khả năng ứng xử kém, giả dối, dùng tiền mua giải thưởng.
Nicole Carboni Renault – cựu Á hậu Miss Costa Rica – liên tục đăng đàn tố Ivonne Cerdas đã ngủ với “sugar daddy”, thông đồng với ban tổ chức mua bán giải xong xuôi. Renault còn khẳng định Ivonne biết trước câu hỏi nhưng vẫn thể hiện không tốt ở đêm chung kết.
Bởi vì không được lòng khán giả trong nước, nên khi Ivonne Cerdas đến Mỹ thi Miss Universe và lọt vào top 10, cô đã không nhận được nhiều lời chúc mừng.
Hạ bệ đối thủ
Ngành công nghiệp đào tạo sắc đẹp phát triển mạnh mẽ ở các nước Mỹ Latin, tại châu Á có Thái Lan và Philippines vẫn cuồng hoa hậu. Các cô gái tham vọng giành vương miện đến mức liều lĩnh, bất chấp điều tiếng khiến cho cuộc thi không còn trong sạch.
Theo Missosology, bà Julia Morley – Chủ tịch Miss World – từng thốt lên rằng: “Tôi nghĩ sẽ chẳng năm nào cuộc thi diễn ra mà không có điều tiếng”.
Năm 2018, Minh Tú đại diện Việt Nam thi Miss Supranational ở Ba Lan và cô đã biết chuyện Jehza Huelar – đại diện Philippines, bị chơi xấu. Sau đêm chung kết, Huelar thậm chí còn nổi tiếng hơn người đẹp đăng quang đến từ Puerto Rico.
Theo thông tin của Angelopedia, Jehza Huelar bị thất lạc hành lý, sau đó bị đối thủ phá hỏng phần lưng váy dạ hội trước giờ G. Dù đã “chữa cháy” bằng cách dùng kim băng cố định váy, phần biểu diễn của cô vẫn không được suôn sẻ.
Minh Tú kể lại một câu chuyện rằng: “Mọi người phải dùng kim băng cài lại để Jehza trình diễn nhưng bộ váy bị tụt lên tụt xuống, rất khó xử lý. Điều này đã khiến tâm lý thí sinh bị xao động, không tập trung”.
Tại cuộc thi Miss Costa Rica cách nay 2 năm, người đẹp Paola Chacon bị khui đoạn chat mỉa mai đối thủ Evelyn Sibaja. Cô này còn dùng từ “phù thủy, gái bán hoa” để cười cợt hai thí sinh khác là Catalina Freer và Mónica Zamora.
Paola Chacon giành vương miện năm đó nhưng khán giả đã phản đối dữ dội, đòi cô trả lại danh hiệu sau những phốt về thái độ, cách ứng xử không chừng mực. Trước làn sóng chỉ trích, Chacon mở họp báo thừa nhận mình dại dột và gửi lời xin lỗi đến những người bị cô làm tổn thương.
“Tôi đã không làm chủ được mình. Đoạn tin nhắn ấy không nên được công khai ra ngoài như vậy. Tôi xin gửi lời tạ lỗi tới những người được nhắc đến trong tin nhắn đó”, cô bộc bạch.
Trước đó, Jesinta Campbell – Á hậu Miss Universe 2010, đã bị đối thủ ghim kim vào trang phục dân tộc và làm cô không hoàn thành tốt phần thi.
Ingrid Marie trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Puerto Rico 2008 cũng tố bị xịt hơi cay vào trang phục và đồ trang điểm khiến da cô gặp vấn đề.
Trong cuốn sách Misdemeanours: Beauty Queen Scandals, tác giả Sally-Ann Fawcett đã dẫn chứng nhiều vụ ầm ĩ ở hậu trường được ghi nhận từ nhiều năm trước.
Sally-Ann Fawcett kể rằng Nicola Willoughby từng là ứng viên sáng giá nhất ở Miss World. Thời điểm thi, cô này mới 18 tuổi và nổi bật với sắc vóc chuẩn, gương mặt đẹp. Tuy nhiên, những bức ảnh ngực trần bị phát tán, khiến giấc mơ hoa hậu của cô tan biến. Dù được ở lại cuộc thi nhưng cô chỉ dừng chân ở vị trí thứ 15.
Nicola Willoughby tin chắc các đối thủ cạnh tranh đã truyền tay nhau bức ảnh của cô và cười hả hê. Bên cạnh đó, cô còn khẳng định chuyện đâm sau lưng xảy ra như cơm bữa.
Cô hồi tưởng: “Một thí sinh từng đề nghị ủi giúp tôi bộ suit phỏng vấn, nhưng cô ấy đã làm cháy. Họ có thể làm bất cứ điều gì để ngăn cản bạn chiến thắng”.
(Theo Zing)