”Việc nhiều tổ chức, đơn vị ở Việt Nam tham vọng kiến tạo một nền công nghiệp hoa hậu, tôi nghĩ đó chỉ là hô hào cho những mưu đồ ẩn khuất” – chuyên gia Lê Ngọc Sơn đưa quan điểm.
Chưa bao giờ Việt Nam chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt sân chơi sắc đẹp trên phạm vi cả nước như thời gian qua. Tính trong năm 2022, trên dưới 30 cuộc thi hoa hậu ở cấp độ quốc gia và các tỉnh, thành phố được tổ chức.
Nhìn ở bề nổi, sự hiện diện của nhiều sân chơi sắc đẹp trong thời gian ngắn chứng tỏ đời sống tinh thần của người Việt đang trở nên sôi động hơn sau đại dịch. Đồng thời, các giá trị về mặt tinh thần, đặc biệt là nét đẹp người phụ nữ được tôn vinh, đề cao.
Tuy nhiên, đặt trong bức tranh tổng quan về các giá trị phổ quát văn hóa, sự phát triển xã hội, tư duy của các đơn vị tổ chức cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam đang lệch lạc so với thế giới. Điều này dẫn tới nhiều hệ lụy trước mắt cũng như lâu dài.
Thỏa thuận ngầm phía sau một cuộc thi hoa hậu
Trong đời sống xã hội loài người, các cuộc thi sắc đẹp đã có lịch sử hình thành hàng nghìn năm, không phải là phát minh của thời hiện đại như suy nghĩ của số đông. Những sân chơi sắc đẹp đầu tiên tổ chức tại Hy Lạp cổ đại, Trung Hoa cổ đại… với mục đích chính là giải trí. Đàn ông cũng có thể tham gia các cuộc thi này, không chỉ riêng phụ nữ.
Từ tiêu chuẩn ban đầu là chú trọng hình thể các thí sinh, ngày nay, những cuộc thi hoa hậu phát triển thêm nhiều nội dung khác như phỏng vấn, ứng xử, tài năng…
Vài thập kỷ qua, hàng loạt các cuộc thi hoa hậu, người đẹp mới được mở ra trên thế giới. Trên bình diện chung, mọi thứ trở nên phổ biến, quen thuộc.
So với các quốc gia khác, Việt Nam là nước đi sau về việc tổ chức các sân chơi sắc đẹp. Lịch sử cuộc thi hoa hậu lâu đời nhất phải kể đến là Hoa hậu Việt Nam (do báo Tiền Phong tổ chức) vào năm 1988. Trải qua hơn 3 thập kỷ, việc trên dưới 30 cuộc thi nhan sắc được tổ chức liên tiếp trong năm 2022 là câu chuyện đáng suy ngẫm.