Cuộc thi Hoa hậu ngày càng nhiều nhưng để tìm ra được một cô gái vừa có nhan sắc, vừa có tâm hồn, lại có trình độ trí tuệ và đời tư sạch bóng scandal xem ra là bài toán nan giải hiện nay.
Vừa đội vương miện đã… dính “phốt”
Thời gian gần đây, hai từ “Hoa hậu” trở nên phổ biến đến mức thành nỗi “ám ảnh” với không ít khán giả. Bên cạnh tình trạng tràn lan các cuộc thi sắc đẹp, câu chuyện Hoa hậu vừa đăng quang đã vướng ồn ào cũng khiến nhiều người ngán ngẩm.
Có trường hợp chỉ vài tiếng sau khi vương miện được trao, tân Hoa hậu đã phải đối mặt với những tin đồn tiêu cực, bị lật lại quá khứ…
Điển hình như Nông Thúy Hằng, vừa đăng quang Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022 đã vướng loạt tin đồn như “cặp kè đại gia”, “quảng cáo website 18+”, “khai gian chiều cao”, “mua giải”… Mặc dù Nông Thúy Hằng và Ban Tổ chức nhanh chóng phủ nhận các thông tin trên, nhưng một bộ phận khán giả vẫn có cái nhìn thiếu tích cực với người đẹp gốc Hà Giang.
Gần đây nhất là trường hợp của Đoàn Thu Thủy – Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022. Ngay trong đêm đăng quang của cô gái đến từ Phú Thọ, dân mạng đã “đào” lại nghi vấn Thu Thủy hút bóng cười (quả bóng bên trong có chứa loại khí có khả năng gây ức chế thần kinh).
Ở buổi họp báo sau chung kết, Thu Thủy xác nhận cô là người xuất hiện trong đoạn clip xôn xao trên mạng xã hội nhưng cho rằng video đã bị cắt ghép và cô cũng không sử dụng bóng cười như đồn thổi. Người đẹp còn cam kết nếu đã hoặc đang có lối sống không tích cực thì cô sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Tất nhiên, các nàng Hoa hậu khó mà đổ lỗi cho việc bị công chúng săm soi đời tư sau đăng quang bởi đó cũng chính là “sức nặng” của vương miện. Hoa hậu vốn được xem là danh hiệu cao quý, được trao cho người xuất sắc nhất một cuộc thi sau khi trải qua những vòng thi tuyển gắt gao với sự đánh giá của những giám khảo, cố vấn uy tín. Chính vì vậy, kỳ vọng của công chúng về hình tượng Hoa hậu là rất lớn.
Tận hưởng cảm giác hạnh phúc vỡ òa khi đội chiếc vương miện lên đầu, hơn ai hết, các người đẹp hiểu rõ, họ cũng có thể nhận “gạch đá tơi bời” chỉ vài giờ sau đó. Như Nông Thúy Hằng từng chia sẻ về biểu cảm “đơ cứng” trong giây phút được xướng tên là vì cô quá căng thẳng, biết trước những áp lực lớn đang chờ mình ở phía trước.
Nhan sắc mà thiếu đi trí tuệ, dễ thành… trò cười
Là Hoa hậu hay Á hậu thì việc sở hữu ngoại hình xinh đẹp là điều không cần bàn cãi nhưng không phải nàng hậu nào cũng thuyết phục được công chúng về tài năng, trình độ, trí tuệ… của mình. Sự bùng nổ số lượng các cuộc thi nhan sắc hiện nay càng khiến chất lượng thí sinh trở thành chủ đề bàn tán của dư luận, với nhiều quan điểm trái chiều.
Sau mỗi đêm chung kết Hoa hậu, khán giả lại được dịp… ôm bụng cười trước những màn ứng xử “đi vào lòng đất” của các người đẹp. Như trường hợp của thí sinh Giáng Tiên tại Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022. Khi được hỏi sẽ làm gì nếu gặp một người bị miệt thị ngoại hình, cô đáp: “Đầu tiên em sẽ… mỉm cười”. Câu trả lời “khó đỡ” này nhanh chóng bị dân mạng mang ra làm ảnh chế, video chế.
Hay như Chu Thị Ánh – Á hậu 2 Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022 – cũng gặp không ít sự phản đối sau phần thi ứng xử “thảm họa”. Trên sân khấu, Chu Thị Ánh ấp úng, liên tục nhắc lại câu “tin vào chính mình” nhưng khán giả không rõ liệu cô có thật sự… tin vào bản thân hay không với cách trả lời thiếu tự tin như thế.
Không những vậy, gần đây, một số người đẹp đã có danh hiệu như Á hậu Kim Duyên, Hoa hậu Khánh Vân… còn liên tục vướng ồn ào liên quan đến trình độ học vấn. Tuy chỉ là những nghi vấn từ dân mạng, riêng Kim Duyên đã nhiều lần lên tiếng giải thích, nhưng trong thời điểm “nhạy cảm” hiện nay, dư luận “dậy sóng” là điều dễ hiểu.
Tìm Hoa hậu “chuẩn”: Dễ hay khó?
Những ồn ào gần đây khiến khán giả một lần nữa đặt dấu hỏi: Tìm Hoa hậu “tài sắc vẹn toàn”, không vướng scandal, liệu có quá khó? Hoa hậu, Á hậu ngày càng nhiều nhưng có thực sự xứng tầm với danh hiệu được trao? Trách nhiệm thuộc về các người đẹp hay là Ban Tổ chức, Ban Giám khảo các cuộc thi nhan sắc?
Trao đổi với PV, ông Phúc Nguyễn – người có nhiều năm trong Ban Tổ chức các cuộc thi Hoa hậu lớn ở Việt Nam cho rằng, việc xảy ra những sự cố đáng tiếc không chỉ là lỗi của thí sinh, mà còn vì sơ suất của Ban Tổ chức.
“Hiện nay ở Việt Nam, ngoại trừ những cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia, có thâm niên và truyền thống, thì Ban Tổ chức một số cuộc thi khác còn khá “non trẻ”, thiếu kinh nghiệm, chưa tiếp xúc sâu trong làng giải trí nên dễ xảy ra những sự cố đáng tiếc như vừa rồi”, ông chia sẻ.
Ông Phúc Nguyễn cũng cho rằng dư luận nên có sự nhìn nhận cởi mở và đa chiều hơn về việc các người đẹp vừa đăng quang liền vướng ồn ào: “Ví dụ như liệu lùm xùm đó thuộc phạm trù nào, có đáng bị lên án hay không? Các bạn Hoa hậu còn trẻ, còn thiếu kinh nghiệm sống, nên cũng đừng vội vàng đánh giá hay dành những lời lẽ tiêu cực quá”.
Ông Trần Việt Bảo Hoàng – CEO của Uni Media (đơn vị giữ bản quyền và cử đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Miss Universe) – cũng cho rằng khâu xác thực thông tin, kiểm chứng hồ sơ thí sinh là vô cùng quan trọng với Ban Tổ chức các cuộc thi nhan sắc.
“Bây giờ là thời đại công nghệ, khán giả rất dễ tìm ra thông tin của các thí sinh. Với những cuộc thi lớn, Ban Tổ chức luôn có ý thức tìm hiểu thông tin từ 2 phía, đầu tiên là từ gia đình, địa phương, sau đó là xác thực lại thông tin, tránh trường hợp xuất hiện những tin đồn hay ồn ào ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng nên tìm hiểu thêm về tài khoản mạng xã hội của thí sinh đó nữa”.
Theo bà Trần Nguyễn Thiên Hương, Tổng Biên tập tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam, nhiều cuộc thi Hoa hậu là điều tốt, nếu như người chiến thắng “thực sự đẹp, tài, gây ảnh hưởng tốt đến lớp trẻ”. Tuy nhiên, “kiếm đâu ra các Hoa hậu như thế?”, bà Hương đặt câu hỏi.
Trên các diễn đàn về sắc đẹp, nhiều khán giả đồng tình với chia sẻ của bà Hương. Người hâm mộ cho rằng Việt Nam có không ít cô gái đẹp, giỏi, học vấn cao, đủ tiêu chí thi Hoa hậu, nhưng họ lại lựa chọn con đường khác.
Về vấn đề này, ông Phúc Nguyễn giải thích thêm với PV: “Các cô gái trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn ngành nghề trong khi dư luận thì thường có cái nhìn thiếu thiện cảm với các cuộc thi nhan sắc nên nhiều bạn có trình độ ngại đăng ký thi Hoa hậu, dẫn đến một số cuộc thi có lứa thí sinh kém chất lượng hơn ngày trước”.
Ông Bảo Hoàng thì cho rằng thông thường các cuộc thi Hoa hậu sẽ có 2 nhóm đối tượng, tùy vào tiêu chí, mục đích của từng Ban Tổ chức. Một là nhóm thí sinh từ 18-22 tuổi, thường là các sinh viên còn đang đi học. Hai là nhóm thí sinh từ 22 tuổi trở lên, những người mới bắt đầu sự nghiệp.
“Thực ra các cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam cũng không hẳn kém đa dạng ngành nghề hay học vấn đâu. Ví dụ như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 vừa rồi có kiến trúc sư, bác sĩ, diễn giả, thạc sĩ, MC… Còn những cuộc thi khác có tiêu chí tuyển chọn các bạn trẻ hơn nên bằng cấp, nghề nghiệp thí sinh chưa đa dạng cũng là điều dễ hiểu”, ông Hoàng nói./.
(Theo Dân trí)