Nhịn ăn để giảm cân khiến cơ thể mất nước, dễ táo bón, hôi miệng, gây đau đầu và tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ.
1. Mất nước
Những người nhịn ăn, bỏ bữa có xu hướng bị mất nước vì cơ thể không nhận được đủ chất lỏng từ thức ăn, đồ uống trong khi vẫn bài tiết một lượng lớn muối, đường qua mồ hôi, nước tiểu. Mất nước gây gián đoạn quá trình chuyển hóa năng lượng, làm chậm tốc độ trao đổi chất, khiến bạn khó giảm cân hơn.
2. Táo bón
Mất nước có thể gây ra tình trạng táo bón ở một số người. Khi nhịn ăn, cơ thể mất đi nhiều chất dinh dưỡng, trong đó có chất xơ. Thiếu hụt chất xơ làm tăng nguy cơ táo bón, lâu dài dễ gây bệnh trĩ.
3. Hôi miệng
Khi nhịn ăn, cơ thể phải sử dụng chất béo dự trữ để tạo thành năng lượng. Quá trình chuyển hóa chất béo tạo ra acetone. Nồng độ acetone trong máu tăng lên khiến hơi thở có mùi.
4. Thiếu hụt dinh dưỡng
Người nhịn ăn dài ngày để giảm cân thường có biểu hiện mệt mỏi, thiếu sức sống. Nguyên nhân chủ yếu do cơ thể không được nạp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì hoạt động thường ngày. Thiếu hụt dinh dưỡng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan khác trong cơ thể.
5. Cuồng đồ ăn hoặc chán ăn
Nhịn ăn kéo dài dẫn đến hai trạng thái tâm lý: cuồng đồ ăn hoặc chán ăn. Nếu mắc chứng cuồng ăn, bạn dễ lên cân trở lại và thường tăng nhiều cân, tích tụ nhiều mỡ thừa hơn. Nếu chán ăn, bạn có nguy cơ suy nhược cơ thể, rối loạn trao đổi chất, dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm.
6. Hạ đường huyết
Nhịn ăn kéo dài khiến nồng độ glucose trong máu giảm sút, gây ra hiện tượng chóng mặt, buồn nôn, hạ đường huyết. Biến chứng hạ đường huyết có thể gây rối loạn nhịp tim, ngất xỉu.
7. Suy giảm trí nhớ
Nhịn ăn gây thiếu hụt dinh dưỡng, khiến não bộ không nhận được đủ nguồn năng lượng cần thiết để hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh, gây mất tập trung, suy giảm trí nhớ và nhiều bệnh lý khác.
8. Đau đầu
Người nhịn ăn kéo dài thường dễ bị đau đầu. Nguyên nhân do lượng đường trong máu thấp gây biến chứng đau đầu, thường đau ở vùng não trước.
Theo Ngoisao.net