Qua gần 40 năm đổi mới, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.
Theo thống kê, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam hiện có 74 tổ chức thành viên, tập hợp trên 40 nghìn văn nghệ sĩ đang hoạt động trong 10 Hội VNHT chuyên ngành Trung ương và 63 Hội VHNT các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra còn có lực lượng hùng hậu các văn nghệ sĩ đang hoạt động, sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, bao gồm nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền VHNT Việt Nam đang bộc lộ không ít hạn chế. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ làm công tác văn hóa còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Chưa kể, việc bố trí, sắp xếp công việc đối với cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở chưa hợp lý. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực văn hóa gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều chuyên ngành nghệ thuật truyền thống rất khó tuyển sinh…
Nhiều năm tham gia công tác đào tạo, ThS Lưu Ngọc Thành – Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội bày tỏ, trong công tác tập huấn, hội thảo, việc mời các chuyên gia tham gia bồi dưỡng nâng cao kiến thức hoạt động về di sản văn hóa tại tuyến cơ sở chưa thường xuyên liên tục, nhất là lĩnh vực mới như văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể gắn với phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là việc phân cấp quản lý đối với các di tích quốc gia đặc biệt còn chồng chéo, chưa có sự thống nhất. Đây chính là nguyên nhân tác động mạnh đến số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực làm việc tại các khu di sản văn hóa ở tuyến cơ sở tại Hà Nội hiện nay.
Theo nhà văn Lê Quang Trang – Hội Nhà văn Việt Nam, chúng ta không phải quá thiếu tài năng. Dân số nước ta hiện nay cán mốc 100 triệu người và dân ta cần cù, siêng năng. Phẩm chất, nghị lực và sáng tạo, đã cho chúng ta những thành công, cả những đỉnh cao của VHNT. Đơn cử như trường hợp Đặng Thái Sơn, nghệ sĩ dương cầm châu Á đầu tiên đoạt giải Nhất cuộc thi piano quốc tế F.Chopin năm 1980. Hiện tại, chúng ta có không ít tài năng thiên bẩm, có năng khiếu về nghệ thuật, được phát hiện và giới thiệu, ở nhiều nơi trên đất nước, và các vùng định cư khác của người Việt. Điều đó nói lên rằng, trong tương quan với các quốc gia trên thế giới, tài năng trong đời sống VHNT của chúng ta không hiếm. “Tuy vậy, ứng xử với tài năng là một việc cực kỳ khó, nếu làm đúng, thì sẽ cực kỳ hiệu quả” – nhà văn Lê Quang Trang bày tỏ.
Về vấn đề này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho rằng, cần chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng thế hệ văn nghệ sĩ trẻ thành nguồn cán bộ đủ sức đảm đương kế tục và phát triển sự nghiệp. Bên cạnh đó, hoàn thiện các chế độ, chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ, tôn vinh lao động nghệ thuật đích thực, đề cao những tác phẩm công phu, tâm huyết, tài năng. Kiến tạo môi trường xã hội, văn hóa thuận lợi để văn nghệ sĩ khởi nghiệp, phát triển tài năng, tạo lập uy tín thương hiệu nghề nghiệp đẳng cấp quốc gia, vươn lên tầm khu vực quốc tế.
“Cuộc đời và sự nghiệp của các văn nghệ sĩ lớn với những tác phẩm kiệt tác để đời luôn khơi nguồn nguyên khí quốc gia, là bài học về sáng tạo cho lớp người đi sau. Các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau giữ trong mình ngọn lửa khát vọng sáng tạo. Sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của đất nước mãi trường tồn – là niềm tự hào của bản sắc văn hóa dân tộc, văn hiến dân tộc, bắt rễ từ truyền thống lâu đời của Việt Nam” – nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ.
Theo Báo Đại đoàn kết