Trả lời Tiền Phong chiều 5/11, TS.BS Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng Bộ môn Giải phẫu, Đại học Y dược TPHCM cho biết phía nhà trường chưa nắm thông tin về việc diễn viên Việt Trinh đăng ký hiến xác.

Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Hoàng Vũ, nếu Việt Trinh đã đăng ký hiến tạng, cô không đủ điều kiện để hiến xác.

“Chúng tôi chưa nhận được thông tin Việt Trinh đăng ký hiến xác. Tuy nhiên nếu Việt Trinh đã đăng ký hiến tạng, cô ấy không thể hiến xác. Bởi người hiến xác phải còn nguyên vẹn. Một người dù thiếu bất cứ bộ phận nào trên cơ thể đều không thể hiến xác”, TS.BS Nguyễn Hoàng Vũ cho hay.

Việt Trinh mong muốn hiến xác sau 5 năm đăng ký hiến tạng.

Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Vũ, việc người dân đăng ký hiến xác đã khá phổ biến. Tính đến hiện tại, Đại học Y dược TPHCM đã nhận được khoảng 40.000 đơn xin hiến xác. Trung bình mỗi năm nhà trường sử dụng khoảng 30 thi hài cho mục đích học tập, nghiên cứu.

“Xét về phương diện y học, việc hiến xác có ý nghĩa quan trọng trong đào tạo, nghiên cứu. Không có bất cứ phương tiện, mô hình nào có thể thay thế được cũng như không có cảm xúc trên cấu trúc giải phẫu”, TS.BS Nguyễn Hoàng Vũ nhấn mạnh.

Trao đổi với Tiền Phong, các chuyên gia về giải phẫu học đồng quan điểm với TS.BS Nguyễn Hoàng Vũ, khẳng định việc hiến xác có ý nghĩa quan trọng đối với công tác đào tạo, nghiên cứu trong y học.

Chuyên gia lý giải cơ thể người là bộ máy hoàn hảo mà không mô hình nào có thể thay thế được. Dù khoa học công nghệ có phát triển, việc tái tạo cơ thể người không đáp ứng được nhu cầu đào tạo chuyên sâu.

Về nghiên cứu, có những bệnh lý, bộ phận cơ thể chúng ta chưa hiểu biết một cách đầy đủ. Bắt buộc phải nghiên cứu trên cơ thể đó. Vì vậy, việc hiến xác là cần thiết để phục vụ trong y học.

Trong đào tạo ngành y hiện đại coi trọng 3 yếu tố gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó thái độ yêu cầu cao hơn. So sánh đào tạo trên mô hình với trên cơ thể người, người học trên cơ thể người có thái độ trân trọng, nghiêm túc và hiệu quả hơn.

Hiện việc hiến xác đã khá phổ biến ở Việt Nam nhưng có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Điển hình, Học viện Quân y mới tiếp nhận 8-10 xác trong 10 năm qua. Trong khi ở phía Nam, số lượng người đăng ký hiến xác cao hơn, hàng trăm xác mỗi năm.

Nhiều người đăng ký hiến xác ngại chia sẻ, công khai thông tin. Chính tâm lý đó khiến việc lan tỏa nghĩa cử này hạn chế. Việc Việt Trinh chia sẻ mong muốn hiến xác giúp nghĩa cử lan tỏa, thậm chí nhiều người học tập, đăng ký hiến xác giống thần tượng.

Trường hợp đã đăng ký hiến tạng của Việt Trinh, chuyên gia cho biết vẫn có thể hiến xác, tùy vào địa điểm, cơ sở tiếp nhận.

Trước thắc mắc về xác hiến sau nghiên cứu, đào tạo, chuyên gia giải đáp có hai cách ứng xử. Có thể tiến hành theo nguyện vọng của người hiến, hỏa táng rồi trao trả cho gia đình hoặc triển khai hỏa táng rồi an táng tại địa điểm tập trung dành cho người đăng ký hiến xác.

Cuối tháng 10, Việt Trinh cho biết cô tìm hiểu thủ tục hiến xác tại một số bệnh viện ở TPHCM, chờ thời điểm làm hồ sơ đăng ký sau 5 năm đăng ký hiến tạng. Nữ diễn viên nói hiến tạng là hiến vài bộ phận cơ thể một cách tự nguyện, còn hiến xác là hiến tặng cơ thể cho y học sau khi qua đời.

“Nếu tôi sống khỏe mạnh đến già, khi qua đời, tôi muốn đóng góp điều có ích cho xã hội và y học. Những bộ phận trên cơ thể của tôi còn sử dụng được có thể giúp cho việc đào tạo sinh viên y khoa”, Việt Trinh nói.

Theo Việt Trinh, cô sẽ đăng ký tại nơi chấp nhận hiến xác, có thể là Đại học Y Dược, sớm nhất là tháng 11, dịp sinh nhật lần thứ 52.

Theo Tiền Phong