Người có da đầu nhạy cảm, khó chọn dầu gội đầu bán sẵn nên thử sử dụng các loại thảo dược để trị gàu.
Ngày xưa khi hóa mỹ phẩm chưa phổ biến thì người Việt đã biết sử dụng những loài thảo mộc có sẵn trong vườn để gội đầu. Nhờ đó, tóc và da đầu vừa sạch sẽ, vừa thơm lại chắc khỏe.
Ngày nay, ít người kỳ công sử dụng các loại thảo dược này. Nhưng nếu có điều kiện sử dụng thì chắc chắn sẽ mang lại mái tóc bóng, dày, khỏe đẹp bởi các loại thảo dược tự nhiên này có nhiều đặc tính tốt, không gây dị ứng với da mẫn cảm như các loại hóa chất trong dầu gội đầu hiện nay. Đặc biệt, những người có da đầu nhạy cảm, khó chọn dầu gội đầu bán sẵn nên thử sử dụng các loại thảo dược này.
Sả
Sả có chứa tinh dầu rất thơm, phụ nữ thường nấu nước sả để gội đầu cho trơn tóc, sạch gàu, ít rụng tóc và có thể tránh được một số bệnh về tóc. Cây sả còn được gọi là cỏ sả, hương mao, tên khoa học Cymbopogon citratus (DC.) Stapf., thuộc họ Lúa (Poaceae).
Cách trị gàu với cây sả:
Cách 1: Rửa sạch 10 củ sả, đun với nước, để nguội và gội đầu. Tinh chất sả trong nước gội sẽ làm mượt tóc, giảm gàu và giúp tóc trơn mượt hơn. Mùi sả cũng giúp bạn thư thái, dễ chịu hơn.
Cách 2: Nướng 5 – 6 trái bồ kết rồi cho vào nấu cùng với sả. Dùng nước hỗn hợp trên để gội đầu, tinh chất bồ kết kết hợp với tinh chất sả sẽ tạo một lớp mặt nạ tuyệt vời cho tóc và giúp tóc trở lên bóng mượt và sạch gàu.
Đây là loại nước gội đầu mà người Việt dùng từ xưa. Sử dụng quá nhiều loại hóa mỹ phẩm trên vùng tóc và da đầu là nguyên nhân dẫn đến gàu gây khó chịu và xơ tóc.
Việc gội đầu trị gàu bằng sả nên thực hiện 2-3 lần/tuần.
Trà xanh
Loại cây có chứa hàm lượng chất Epigallocatechin Gallate (viết tắt EGCG) thực chất là chất chống oxy hóa (Antioxydants) mạnh, rất tốt cho tóc và da đầu.
Phụ nữ có thể nấu nước với lá trà xanh để gội đầu trị gàu, làm dịu mát phần da đầu bị vảy nến. Chưa kể, thói quen uống trà xanh hàng ngày cũng giúp thanh lọc cơ thể, giúp tóc óng ả hơn.
Hương nhu
Cây hương nhu trắng (tên khoa học là Ocimum gratissimum L.) có chứa tinh dầu hương nhu 0,6-0,8%, trong đó chủ yếu là Eugenol, ete metylic của eugenol, cacvarol, o-cymen, p-cymen, camphen, limonen, pinen.
Theo đông y, hương nhu có tác dụng thông khiếu, làm ra mồ hôi, thông thoáng da đầu, nhẹ đầu, sảng khoái khi gội đầu. Đồng thời, giúp tăng lưu thông khí huyết dưới da, kích thích mọc tóc mới. Khoa học hiện đại đã chứng minh tinh dầu hạt hương nhu có tác dụng chống nhiễm khuẩn.
Kinh nghiệm của y học cổ truyền cũng hướng dẫn cách sử dụng hương nhu chữa tình trạng chậm mọc tóc ở trẻ em. Cụ thể, lấy lá hương nhu sắc với nước, cô đặc, trộn với mỡ heo rồi bôi lên đầu.
Theo Phunu