Sau hơn một thập kỷ ra mắt, ‘Cú hích’ – Quyển sách nổi tiếng của tác giả Nobel 2017 Richard H. Thaler và người đoạt giải Holberg 2018 Cass R. Sunstein, vừa được tái bản với nhiều cập nhật và sửa đổi gần như mới.
Ngay khi ra mắt vào năm 2008, quyển sách “Cú hích – Nudge” của bộ đôi tác giả Richard H. Thaler và Cass R. Sunstein đã lập tức trở thành một trong những quyển sách bán chạy trên toàn cầu với hơn 2 triệu bản được bán ra.
Phiên bản gần như viết mới toàn bộ
Dựa theo những nghiên cứu về tâm lý học và kinh tế học hành vi, tác giả đã chứng minh rằng con người thường bị ảnh hưởng bởi các cú hích tinh vi trong quá trình ra quyết định của mình. Lý thuyết này nhanh chóng phổ biến và được nhiều nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách… đón nhận.
“Cú hích” không chỉ ảnh hưởng đến các chính trị gia ở Anh, Mỹ mà còn lan rộng ra nhiều quốc gia khác, giúp tạo ra hơn 400 “đội tạo cú hích” trong các chính phủ: Anh, Đức, Nhật Bản… Cùng với đó, khái niệm “cú hích” cũng nhanh chóng được phổ biến và sử dụng như một từ vựng mới trong giới doanh nhân, nhà hoạch định chính sách, người tiêu dùng… ở khắp nơi trên thế giới.
Sau hơn một thập kỷ ra mắt, Thaler và Sunstein nhận thấy cùng với sự phát triển của thời đại, một số thông tin trong sách đã trở nên lỗi thời, cần được cập nhật và sửa đổi cho phù hợp. Ví như, chiếc iPod – một sản phẩm được cho là hợp thời của chương đầu tiên sau ngần ấy năm đã lỗi mốt, lạc hậu. Hay như, nhiều vấn đề thời sự mà tác giả từng đề cập trong phiên bản cũ đã được một số quốc gia giải quyết.
Vì thế, với kinh nghiệm làm việc trong và ngoài chính phủ hơn chục năm qua, cùng những phát hiện nghiên cứu mới, bộ đôi tác giả đã tiến hành cập nhật và sửa đổi từ đầu đến cuối quyển sách. “Cú hích – Phiên bản cuối cùng” bắt đầu chỉnh sửa từ năm 2020, ngay trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng nổ trên toàn cầu.
Có thể nói đây là bản “Cú hích” gần như mới với 6 chương được thêm vào, 4 chương viết lại gần như toàn bộ, và 6 chương được cập nhật, chỉnh sửa chuyên sâu. Tuy được viết lại phần lớn nhưng “Cú hích – Phiên bản cuối cùng” vẫn lựa chọn cách mở đầu quen thuộc bằng việc kể câu chuyện về chuỗi quán ăn tự phục vụ của Carolyn. Từ đây, các khái niệm về “kiến trúc lựa chọn”, “chủ nghĩa gia trưởng tự do” bắt đầu được mở rộng bàn luận.
Ở phần được thêm vào, tác giả đặc biệt dành hai chương lớn để đề cập đến hai chủ đề mới là sự tiết lộ thông minh và bùn lắng, cùng với việc bổ sung thêm hai khái niệm mới của kiến trúc lựa chọn là niềm vui và sự giám tuyển. Theo đó, sự tiết lộ thông minh giúp người tiêu dùng đưa ra những quyết định hiệu quả hơn. Còn bùn lắng là những lực cản của kiến trúc lựa chọn gây ảnh hưởng đến tổng thể quyết định. Các chủ đề này được xây dựng để hướng đến việc tạo ra cú hích dễ dàng hơn.
Với phiên bản 480 trang lần này, Thaler và Sunstein không ngại viết lại những nội dung mình đã dày công nghiên cứu mà còn còn tiến hành cập nhật những vấn đề của thời đại, từ chương trình tiết kiệm hưu trí, cho đến tài chính cá nhân cho bảo hiểm y tế, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19… Bằng những lập luận và ví dụ minh họa rõ ràng, tác giả đã làm rõ những ảnh hưởng, tác động của cú hích tới các vấn đề khác nhau, đồng thời, đề xuất những giải pháp hữu ích cho việc sử dụng các cú hích để giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Câu thần chú của “Cú hích”
Richard H. Thaler và Cass R. Sunstein cho rằng nguyên tắc căn bản nhất để thực hiện cú hích được tóm gọn trong “câu thần chú”: Làm cho việc cần làm trở nên dễ dàng. Cú hích không phải thuế hay phạt vạ, nó không hạn chế quyền tự do lựa chọn của cá nhân mà là một cách tiếp cận đầy hứa hẹn để cải thiện quá trình ra quyết định và thúc đẩy thay đổi hành vi tích cực.
Trong nhiều năm gần đây, “Cú hích” được giới phê bình, doanh nhân, nhà kinh tế học… đánh giá là một trong những cuốn sách hấp dẫn và kích thích tư duy nhất. Tuy vậy, quyển sách cũng tạo ra những tranh cãi nhất định trong lĩnh vực đạo đức học và khoa học chính trị. Khi thực hiện bản cập nhật, bộ đôi tác giả không hề né tránh mà dám thẳng thắn nhìn vào những quan điểm trái chiều này. Ngoài ra, tác giả cũng không chút kiêng dè phơi bày những hạn chế của cú hích để độc giả cùng bàn luận ở phần cuối sách.
Tuy còn nhiều tranh cãi nhưng sự tác động của cú hích ở thời điểm hiện tại là điều không thể phủ nhận. Với trọng tâm là thay đổi hành vi con người mà không dựa vào sự cưỡng ép, cấm đoán hay pháp luật, lý thuyết cú hích đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm y tế, giáo dục, tài chính… để giúp cá nhân và doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn, cải thiện phúc lợi của họ.
Sau hơn một thập kỷ kể từ ngày ra mắt bản đầu tiên, “Cú hích – Phiên bản cuối cùng” đã có những sự thay đổi đáng kể nhằm hướng cho người đọc có một trải nghiệm tốt hơn với nhiều kiến thức bổ ích hơn. Tuy nhiên, phiên bản mới vẫn giữ được những gì tinh túy nhất của phiên bản bản cũ. Do đó, dù là độc giả mới hay độc giả cũ cũng sẽ tìm thấy nhiều nội dung mới mẻ, thú vị ở “Cú hích – Phiên bản cuối cùng” này.
Đề cập đến quyển sách này, Giáo sư tâm lý học Daniel Kahneman, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2002 và là tác giả cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm”, đã khen tặng: “Có rất ít cuốn sách có thể làm thay đổi thế giới, nhưng ‘Cú hích’ đã làm được điều đó. ‘Cú hích – Phiên bản cuối cùng’ này chứa đựng những điều tuyệt vời: hài hước, hữu ích và khôn ngoan.”
Còn tờ nhật báo The Boston Globe thì nhận xét: “Cuốn sách không chỉ hài hước mà còn chứa đựng những ý tưởng hay mà các giám đốc tài chính, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia Phố Wall và tất cả những người gửi tiền tiết kiệm có thể áp dụng.”
– Richard H. Thaler là Giáo sư Kinh tế học của Đại học Chicago (Mỹ). Ông được xem là “cha đẻ” của Kinh tế học hành vi – một môn khoa học bao gồm tâm lý học, hành vi tiêu dùng và kinh tế học. Năm 2017, ông được trao Giải thưởng Nobel Kinh tế vì những đóng góp trong lĩnh vực kinh tế học hành vi. Hiện Richard H. Thaler là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ. Ngoài ra, ông còn là tác giả của cuốn sách “Misbehaving: The Making of Behavioral Economics”, đồng thời có nhiều bài viết trên nhiều tạp chí nổi tiếng.
– Cass R. Sunstein là giáo sư hàng đầu về luật học tại Đại học Robert Walmsley thuộc Trường Luật Harvard, nơi ông là nhà sáng lập kiêm Giám đốc Chương trình Kinh tế học Hành vi và Chính sách Công. Từ năm 2009 – 2012, ông làm việc cho chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Obama với tư cách là Người quản lý của Văn phòng Thông tin và Quản lý Nhà Trắng (OIRA) – một bộ phận trực thuộc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB). Từ năm 2020-2021, ông giữ chức Chủ tịch nhóm Tư vấn kỹ thuật về Sức khỏe và Thấu hiểu hành vi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Năm 2021, ông tham gia chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden với tư cách là Cố vấn cấp cao và là nhân viên chính sách điều tiết trong Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.
Các tác phẩm đã xuất bản của Cass R. Sunstein gồm: “Impeachment: A Citizen’s Guide”, “Too Much Information” và “Noise: A Flaw in Human Judgment” viết chung với Daniel Kahneman and Olivier Sibony. Năm 2018, ông được nhận Giải thưởng Holberg – giải thưởng được trao hàng năm cho các học giả có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật, nhân văn, khoa học xã hội, luật học…
Gia Hưng