Với việc kết hợp phong cách smock và tay nghề thêu truyền thống Việt Nam, Công ty TITIAN được sáng lập và điều hành bởi doanh nhân Lê Mộng Kim Trinh đã phát triển xu hướng mới trong ngành thời trang, đặc biệt là thời trang trẻ em. Trong xu thế phát triển vũ bão của ngành thời trang nói chung, smock vẫn còn khá “khiêm tốn”. Để hiểu hơn về smock tại Việt Nam, Tạp chí Thời Trang Vàng đã có buổi trò chuyện cùng doanh nhân Lê Mộng Kim Trinh.
Xin chia sẻ cơ duyên bước vào smock của mình? Chị đã làm gì để phát triển thương hiệu của mình trong suốt gần 20 năm qua tại thị trường trong và ngoài nước?.
Tôi nhớ năm 2004, vì không tìm được thợ lành nghề smock ở Việt Nam cho người cô đang sinh sống tại Mỹ vì lý do cửa hàng may thêu của cô quá đông khách, nên quyết định truyền nghề lại cho tôi. Mặc dù khoảng cách rất xa nhưng một thời gian nhờ vào sự đam mê và quyết tâm nên tôi đã học và có thể tự làm.
Smock là nghề thủ công truyền thống được du nhập vào nước ta thời kỳ Pháp thuộc, nhưng vì một số lý do nên những người thợ đã bỏ nghề và làm công việc khác. Lúc này mong muốn có những sản phẩm smock truyền thống dành riêng cho các bé tại Việt Nam, tôi đã quyết định tìm người để truyền lại. Sau một thời gian tìm kiếm và hướng dẫn tôi đã có được các nhóm thợ khác nhau tại các tỉnh, thành phố. Có được những sản phẩm thủ công, cô cũng bắt đầu gửi đơn hàng về đặt, để xuất khẩu. Nhằm thuận tiện cho việc xuất hàng qua các nước tôi đã thành lập công ty, đến nay đã hơn 17 năm.
Mang theo quyết tâm mở rộng thị trường Việt, để các em nhỏ cũng được sử dụng những sản phẩm đẹp, tinh tế, thủ công được thêu tay hoàn toàn, người thợ chăm chút từng đường kim mũi chỉ, mang tính nghệ thuật cao, tôi đã thuê một gian hàng tại Nowzon. Nhưng tôi cũng chỉ trụ ở đó được hai năm do đứt vốn vì hàng của tôi giá cao nên không cạnh tranh được với hàng chợ và hàng shop. Rồi niềm vui lại đến, bỗng một ngày tôi nhận được cuộc gọi từ nhân viên làm ở Vincom liên hệ đặt hàng, tôi lại tiếp tục nuôi hi vọng với thị trường Việt.
Nhưng thực tế cho thấy hàng của tôi vẫn không thể bán được ở thị trường trong nước, đây là điều tôi cảm thấy rất hối tiếc vì trẻ em Việt không được mặc những sản phẩm cao cấp. Ngược lại với thị trường Việt, smock lại được các bang tại Mỹ và một số nước đặt hàng rất nhiều, giao động từ 1.000 đến 5.000 sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có khách hàng đặt rất ít, nhưng giá trị lại cao lý do vì họ bán trong shop cao cấp họ yêu cầu thêu nhiều họa tiết hơn, nhất là phải đúng fom dáng, dập đúng chuẩn Mỹ.
Nghề smock truyền thống đã tạo cho chị cảm xúc gì?. Và chuẩn mực về sản phẩm mình cung cấp cho khách hàng dựa trên các giá trị nào?.
Cho đến tận bây giờ thì cảm xúc của nghề này đối với tôi là một cái gì đó rất thiêng liêng, giống như khi bạn mặc một chiếc áo dài tryền thống của Việt Nam vậy, cảm thấy niềm tự hào dân tộc dâng cao. Có một điều đặc biệt là cảm xúc của tôi từ trước giờ vẫn thế vẫn luôn thấy rất yêu nghề, mặc dù khi làm nghề này không tạo kinh tế chính nhưng tôi lại không bỏ được vì sự đam mê, vì tình yêu với những gì là giá trị là kết tinh nhưng tinh hoa của nhân loại.
Thực sự không có thước đo cho nào về chuẩn mực về sản phẩm thủ công, bởi đó là giá trị vô hình vì nghề này mang tính văn hóa truyền thống mà đã là văn hóa thì tất cả đều có giá trị xuyên thời gian. Dù sản phẩm đó là đắt hay rẻ không quan trọng, quan trọng là khi mình mặc vào và cảm thấy chuẩn mực, ăn nói nhẹ nhàng hơn. Vì vậy, các mặt hàng của tôi cũng thế, sẽ đem đến cho các bé những trải nghiệm tuyệt vời như một nàng công chúa bước ra từ câu chuyện cổ, xinh đẹp và yêu kiều.
Chị xem nghề may này trên khía cạnh mình là 1 người nghệ nhân hay là 1 doanh nhân?.
Đối với riêng tôi, tôi xem nghề smock này giống như một nghệ nhân hơn là một nghề kinh doanh, vì nếu kinh doanh thì đây là thất bại bởi nó không tạo ra nhiều lợi nhuận. Nhưng vì đam mê công việc này nên tôi vẫn duy trì nó để xuất đi các thị trường trên thế giới mỗi khi họ có nhu cầu. Nghề đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc chạm đến trái tim của một người yêu cái đẹp, yêu những giá trị truyền thống.
Có thể bật mí vì sao chị lựa chọn tên thương hiệu là TITIAN?.
Thương hiệu TITIAN được ghép từ tên của con gái tôi là TITI và tên AN là con gái của cô – người đã truyền nghề cho tôi. TITIAN là một cách để gợi nhớ và tận sâu trong tôi luôn muốn gửi lời cảm ơn tới người thầy, người cô ruột thịt đã không quản ngày đêm hướng dẫn dạy bảo tôi để tôi đến chạm đến được nghệ thuật smock này.
Ngọn lửa chị muốn hun đúc cho thế hệ phía sau như thế nào?.
Ngay từ khi bắt đầu tôi đã có ý định truyền nghề, minh chứng rõ nhất là tôi đã đào tạo các nhóm thợ, hơn nữa tôi rất mong muốn smock được giữ mãi với Việt Nam là một nghề truyền thống. Tôi sẽ sẵn sàng truyền lại cho bất cứ ai muốn được học và coi smock như một niềm đam mê. Tôi luôn lấy tâm niệm làm đẹp cho khách hàng bằng những điều tốt nhất là hoa tiêu dẫn đường tôi đồng hành với nghề, bởi sau nhiều năm nữa mình cũng sẽ già nên rất cần những người tiếp bước để nghề mình được trường tồn.
Mất bao lâu để tạo ra 1 sản phẩm smock đạt tiêu chuẩn?.
Một sản phẩm smock sẽ mất rất nhiều thời gian tùy theo mẫu, ước chừng từ 1 ngày lâu hơn nữa 3 đến 5 ngày. Điều nữa là hoàn toàn phụ thuộc vào thợ lành nghề. Mà đa phần là thợ của tôi toàn là những bà nội trợ, họ chỉ tranh thủ làm khi đã hoàn thành công việc nhà, nên thời gian rất lâu mới cho ra đời 1 sản phẩm. Nếu như thêu máy cần một tiếng đồng hồ đã có rất nhiều sản phẩm, còn với nghề smock này đôi khi phải cắt bằng tay từ việc bẻ cổ áo, vô bông, làm từng công đoạn nên kéo theo giá thành cao.
TITIAN – chuyên thiết kế và sản xuất trang phục, áo đầm smock cho bé yêu từ 3 tháng đến 8 tuổi. Với tay nghề khéo léo của người phụ nữ Việt Nam kết hợp với thiết bị chuyên dùng, TITIAN đã cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế những sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, phong cách thời trang sành điệu. Tất cả các sản phẩm đều được công ty sử dụng nguyên liệu chất lượng cao, chỉ thêu nhập từ Pháp. Công ty đặc biệt áp dụng kỹ thuật may độn và luôn áo bằng tay để đảm bảo an toàn cao nhất cho bé yêu của chúng ta./.
Lê Nhân