Một tác phẩm đương đại của KTS Dmitry Velikovsky và hai tác phẩm hoài cổ của nhà thiết kế Alexandre Vassiliev là những nét chấm phá của một thế hệ các nhà thiết kế Nga thế kỷ 21.
Nhà thiết kế sân khấu ballet Nga Alexandre Vassiliev có đến hai ngôi nhà cổ, một ở Matxcơva và một ở Vilnius, Lithuani. Là một nhà hoài cổ đắm đuối với quá khứ Nga vàng son, Vassiliev thừa nhận: “Tôi là típ người của trà chứ không phải của cà phê!!!”; và trong ông, ký ức về những chiếc ấm trà samovar, những tấm thảm “già nua”, những bức tranh úa vàng treo dày đặc trên tường…, đã giúp nén chặt không gian sống Nga bởi ký ức, hoài niệm, và tự tình của quá khứ.
Nhiều lúc, không gian của Vassiliev như một cuộc đối thoại miên viễn của thời gian: căn nhà ở đồng quê như đang chờ đợi lời tâm sự của Chekhov, căn phố hiện đại tại Matxcơva y như không gian của những năm 50, hoà quyện chất sân khấu Nga vốn gốc xuất thân của cha mẹ ông – với cách sống mang phong cách của giai đoạn Stalin…
Mua được căn hộ ở Vilnius có tuổi đời ở giai đoạn năm 1913 khi mà thành phố này còn nằm dưới sự kiểm soát của Sa hoàng, Vassiliev dùng cuốn album cũ của gia đình để phục dựng lại không khí Nga vào giai đoạn đó.
Ông đi lùng sục các tiệm đồ cổ ở khắp Vilnius, Riga, Latvia và Matxcơva để chọn mua các vật dụng của thời kỳ này, cố làm sao tạo ra một căn hộ phản ánh tính chất một căn nhà Nga pha trộn chất Lithuani với chút ảnh hưởng Ba Lan.
Ông bắt đầu trang trí từng căn phòng bằng cách định ra khí vị của nó, từ đó chọn màu của tường dựa theo các đồ vật dự định đặt vào đó. Chẳng hạn, màu hồng da cam của phòng ăn là để phù hợp với đôi má hồng của người phụ nữ trong bức tranh sẽ treo trên tường. Do Lithuani là vùng đất ít ánh nắng, hơi ảm đạm, nên ông thường chọn màu tươi để tạo cảm giác phấn chấn, chẳng hạn phòng ngủ với màu xanh ngọc làm không gian khá lạ, cổ kính nhưng vui mắt.
Căn hộ ở Matxcơva được xây dựng vào giai đoạn Stalin những năm 50 dành cho giới trí thức Xô-Viết với cửa cao, sàn và cửa sổ làm bằng gỗ. Nó như được nén chặt bởi tranh và các đồ nội thất bằng gụ nâu sẫm.
Vassiliev cho rằng: Người Nga yêu đồ vật và yêu việc tích trữ đồ vật; điều này cũng xuất phát từ truyền thống văn hoá Chính thống giáo Nga, với các nhà thờ đầy kín những hình tượng thờ phụng treo trên tường. Làm đầy không gian với những hình ảnh là một phần truyền thống Nga, nó cho ta cảm giác một không gian đầy đặn!”.
“Nhưng sự đầy tràn Nga không có nghĩa là của cải hay tiền bạc mà là đầy tràn cái đẹp và những tình tự của cuộc đời. Tất cả được sắp xếp bằng một sự say sưa không máy móc, không toán học, không triết lý, mà chính bằng tâm hồn Nga mộc mạc. Tôi sống và luôn luôn mơ. Tôi nghe Chopin…, bạn biết không, sống trong một thành phố lớn và náo nhiệt bạn phải biết cách ẩn nấp vào cái đẹp. Đó cũng là sự khôn ngoan Nga vậy!!!”.
Theo KT&ĐS