Dưới bàn tay của biên đạo múa người Anh gốc Việt Nguyễn Ngọc Anh, dòng tranh dân gian Đông Hồ được lên sân khấu ballet cổ điển rất thú vị.
“Vẽ” tranh Đông Hồ bằng ballet cổ điển
Những ngày này, các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đang tất bật tập luyện cho vở ballet “Đông Hồ” (tựa tiếng Anh: “Give and Receive”).
Đây là lần đầu tiên, dòng tranh Đông Hồ được sử dụng làm chất liệu để sáng tạo, kết hợp với hình thức nghệ thuật múa và âm nhạc cổ điển trên sân khấu ballet.
Biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh cho biết, anh đã ấp ủ tác phẩm này từ năm 2017. Cách đây không lâu, anh từng đưa trích đoạn tác phẩm biểu diễn tại Hong Kong.
Theo anh Ngọc Anh, chất liệu từ tranh Đông Hồ mang tới nhiều thuận lợi khi chuyển thể sang ngôn ngữ múa, mỗi bức tranh đều đã mang câu chuyện và giàu hình ảnh.
Hơn nữa, tác phẩm rất rõ ràng về nội dung và các tuyến nhân vật, tính cách đặc trưng của từng nhân vật. Trong khi đó, với nghệ thuật múa, điều quan trọng nhất là thể hiện được tính cách của nhân vật và nêu được ý nghĩa muốn truyền tải.
“Tôi rất muốn mang đến cho Đông Hồ một linh hồn mới, bằng nét vẽ mới, không phải chỉ là khuôn dập gỗ, hay những thiết kết trang phục, mà bằng “ngòi bút” sắc sảo tạo nên bởi đôi giày mũi cứng của người nghệ sĩ múa ballet. Dù sống ở nước ngoài, nhưng tâm hồn tôi vẫn là người Việt, vẫn muốn mang hồn Việt đến với nghệ thuật cổ điển nước ngoài”, biên đạo Ngọc Anh bộc bạch.
Là người trực tiếp tham gia biểu diễn trong vở “Đông Hồ”, NSƯT Phan Lương – Trưởng đoàn Vũ kịch của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho rằng, điều thú vị nhất ở vở diễn là sự hòa quyện giữa truyền thống hội họa dân gian cùng nghệ thuật cổ điển và đương đại của thế giới.
“Chúng tôi muốn dùng âm nhạc, kỹ thuật biểu diễn của phương Tây để kể về câu chuyện, con người Việt Nam. Nội dung vở diễn được tái hiện từ các bức tranh như: “Hứng dừa”; “Đám cưới chuột”; “Đánh ghen”; “Vinh quy bái tổ”; “Lý ngư vọng nguyệt”… bằng vũ điệu ballet cổ điển thế giới. Tất cả hòa trên nền âm nhạc là các tác phẩm kinh điển của âm nhạc cổ điển phương Tây. Điển hình là “Bốn mùa – New For Seasons” – bản giao hưởng do nhà soạn nhạc cổ điển đương đại Max Richter biên soạn lại từ bản gốc cùng tên của Antonio Vivaldi. Ông là một trong những nhà soạn nhạc Baroque vĩ đại nhất của thế giới”, NSƯT Phan Lương bày tỏ.
Không tiết lộ con số kinh phí cụ thể, nhưng ông Phan Mạnh Đức – Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho biết, bên cạnh kỹ thuật biểu diễn, âm thanh, phần ánh sáng và thiết kế sân khấu cũng được đầu tư công nghệ hiện đại, để bắt mắt nhất về mặt thị giác. Sân khấu có sự kết hợp giữa bài trí, phông cảnh, decor sân khấu đi theo ý đồ của tác phẩm.
“Trong tất cả các đêm diễn, toàn bộ Nhà hát Lớn đều được trang bị hiệu ứng đèn chiếu, không gian được thiết kế và tạo không khí như một bức tranh Đông Hồ, giúp kích thích mọi giác quan của khán giả. Đặc biệt khán giả không chỉ đơn thuần là người thưởng thức nghệ thuật mà còn được tương tác trực tiếp ngay trên khán đài”, ông Đức nhấn mạnh.
Cả biên đạo và diễn viên đều “đau đầu”
Là người kỹ tính và cầu toàn, biên đạo múa Ngọc Anh thừa nhận, điều khó khăn nhất với anh không phải là cách chuyển đổi ngôn ngữ từ nghệ thuật tranh vẽ sang nghệ thuật múa, mà là khoảng cách địa lý và áp lực thời gian.
Hiện, anh đang công tác chính tại Học viện Nghệ thuật Biểu diễn Hong Kong. Suốt quãng thời gian khoảng 4 tháng tập luyện cho vở diễn, anh chỉ có 3 tuần tại Việt Nam để trực tiếp hướng dẫn các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam.
Sau đó, ê-kíp chỉ có thể kết nối và làm việc với nhau bằng công nghệ. Chính vì vậy, biên đạo phải lường trước các tình huống, đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu trong mọi vấn đề.
Anh thậm chí còn phải chỉnh sửa lại cách dàn dựng sao cho phù hợp với cả diễn viên và tình hình hiện tại.
Biên đạo múa Ngọc Anh cho biết, anh không tập trung về phương pháp kể chuyện chi tiết, mà dẫn dắt người xem hướng tới sự tinh tế giản dị được truyền tải một cách trừu tượng và mang tính cảm nhận nhiều hơn.
Chính vì thế, anh đã thay đổi trong cách kể chuyện khi yêu cầu các nghệ sĩ không chỉ trình diễn thông qua ngôn ngữ cơ thể mà còn bằng ánh mắt, cử chỉ.
Khác với các vở ballet thông thường, với “Đông Hồ”, nhiệm vụ của các nghệ sĩ múa phải hoàn thành tốt các động tác khó thôi là chưa đủ.
“Vở diễn có tổng cộng 17 diễn viên, 12 nam và 5 nữ. Chúng tôi không đảm nhiệm vai diễn cố định, mà có thể thay đổi theo từng nhân vật trong 11 bức tranh Đông Hồ được lựa chọn để tái hiện.
Điều khó khăn nhất với chúng tôi là vừa phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật, vừa phải có sự ăn ý và vừa phải tạo sự duyên dáng của con người Việt Nam vào từng động tác trên đôi giày mũi cứng.
Ballet cổ điển vốn có yêu cầu phải định hình, tạo dáng rất khắt khe, trong khi đó, yếu tố dân gian vẫn cần sự mềm mại chuyển duyên dáng. Đôi khi, chúng tôi phải “chia nhỏ” các bộ phận trên cơ thể ngay trong một tư thế tạo dáng”, nghệ sĩ múa Trần Lệ Thanh tâm sự.
Vở ballet “Đông Hồ” chính thức được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào đêm 22 và 23/3 tới.
Để giúp khán giả có cái nhìn sâu hơn về vở ballet Đông Hồ, BTC còn tạo nên một thư viện tranh Đông Hồ với sự góp mặt của nghệ nhân đến từ làng tranh Đông Hồ tại sảnh đón tiếp của Nhà hát Lớn Hà Nội. Khán giả sẽ có cơ hội tìm hiểu các vật liệu, quá trình làm nên một tác phẩm tranh và trực tiếp tham gia tạo nên bức tranh Đông Hồ của riêng mình. |
Theo: Báo Giao Thông