Hình ảnh phản cảm trong cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Campuchia

Đăng vào: 01/09/22

Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Campuchia 2022 xuất hiện thí sinh mặc trang phục phản cảm. Khán giả chỉ trích đây là hình ảnh khiêu dâm và xúc phạm văn hóa quốc gia.

Khmer Times đưa tin ngày 31/8, Thủ tướng Hun Sen ra lệnh xem xét lại cuộc thi Miss Grand Campuchia 2022 (Hoa hậu Hòa bình Campuchia), vì có thí sinh mặc trang phục phản cảm, không phù hợp với truyền thống dân tộc.

Ông Hun Sen nói trong tuyên bố: “Tôi yêu cầu đánh giá lại cuộc thi bởi có quá nhiều câu chuyện được đăng tải nhằm mục đích câu view. Tôi không quan tâm điều gì sai và đúng, nhưng công chúng thể hiện sự không hài lòng, do đó chúng ta cần lắng nghe ý kiến của họ và điều chỉnh cho phù hợp”.

Theo thủ tướng Campuchia, dàn thí sinh không có lỗi vì họ đã trình diễn và mặc trang phục theo quy định. “Thí sinh không sai, người sai chính là trưởng ban tổ chức”, ông nhấn mạnh.

Hình ảnh phản cảm

Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Campuchia lần thứ 8 khởi động từ ngày 6/5 đến 27/8. Năm nay, có 35 thí sinh thuộc 25 tỉnh và 3 thành phố của cả nước tìm kiếm cơ hội đội vương miện trị giá 250.000 USD và giành suất thi Miss Grand International vào tháng 10 ở Indonesia.

Thí sinh cầm bài, xúc xắc trong phần thi trang phục dân tộc. Ảnh: Khmer Times

Mặc dù chung kết đã khép lại với chiến thắng thuộc về Saravady Pich Votey, đại diện tỉnh Preah Sihanouk, cuộc thi vẫn liên tục bị réo tên vì những lùm xùm.

Theo Phnom Penh Post, vòng thi trang phục dân tộc diễn ra tối 24/8 xuất hiện hình ảnh khiến công chúng không hài lòng, châm ngòi cho những bình luận gay gắt trên mạng xã hội.

Hai thí sinh đại diện cho thành phố Poipet (tỉnh Banteay Meanchey) và thành phố Bavet (tỉnh Svay Rieng) mặc trang phục đơn giản để làm nổi bật mô hình lá bài và xúc xắc cỡ lớn trên tay. Họ được cho là muốn tuyên truyền văn hóa chơi bài ở “thủ phủ casino”.

Đáng nói, ở phía sau, 2 cô gái đều sử dụng hình ảnh đền Angkor Wat làm phông nền cho màn trình diễn. Khán giả nhận xét sự kết hợp này không phù hợp, thậm chí phản cảm bởi Angkor Wat vốn là biểu tượng cho sự linh thiêng, tôn nghiêm và huyền bí.

Trong diễn biến khác, thí sinh tự xưng là đại diện tỉnh Stung Treng đã catwalk trong bộ váy xuyên thấu, xẻ cao. Độ táo bạo của trang phục khiến người mặc lộ ngực và vùng nhạy cảm trước ống kính.

“Đây là sự xúc phạm nghiêm trọng tới văn hóa truyền thống tốt đẹp của Campuchia, đặc biệt là danh dự phụ nữ Campuchia”, tuyên bố của tỉnh Stung Treng viết.

Long Bonna Sirivath, Ngoại trưởng kiêm phát ngôn viên của Bộ Văn hóa Campuchia, đã gửi thư mời ông In Sophin – chủ sở hữu Mahahang Productions – đơn vị tổ chức cuộc thi, đến làm việc.

Trước mắt, bộ đưa ra yêu cầu Mahahang Productions phải cam kết dừng các hoạt động trái với truyền thống và đạo đức của người Khmer.

Đồng thời bộ khuyến cáo những người sản xuất chương trình lưu ý và cần để bộ kiểm tra trước khi biểu diễn trên sân khấu, hoặc trước khi phát sóng những nội dung liên quan đến truyền thống và văn hóa Khmer, đặc biệt là đặc điểm bản sắc các vùng miền.

Trang phục phi truyền thống

Phát biểu trước báo giới, chính quyền tỉnh Stung Treng từ chối việc thí sinh mặc trang phục với danh nghĩa đại diện cho tỉnh mà chưa được cấp phép. Tuyên bố nói thêm bộ váy gây tranh cãi không phản ánh hay tôn vinh giá trị truyền thống ở Stung Treng.

Trang phục gây tranh cãi nhất cuộc thi được diện bởi thí sinh của tỉnh Stung Treng

Stung Treng là tỉnh ở cao nguyên đông bắc của Campuchia, tập trung phần lớn người dân tộc Brâu sinh sống. Người Brâu mặc trang phục đơn giản nhưng vẫn thể hiện cá tính trong tạo hình và trang trí.

Theo truyền thống, đàn ông Brâu thời xưa thường cởi trần đóng khố, phụ nữ quấn váy tấm. Thân váy được xử lý mỹ thuật ở phần đầu váy và chân váy với lối đáp các miếng vải khác màu có các sọc đen ngang đơn giản chạy ngang.

Vào mùa lạnh, họ mặc áo chui đầu, cộc tay, khoét cổ. Đây là loại áo ngắn thân thẳng, tổng thể áo có hình gần vuông. Thân áo phía mặt trước và sau được xử lý theo nguyên tắc như váy. Toàn bộ thân trước màu sáng có đường viền đậm trên vai và gấu áo. Lưng áo được xử lý màu sáng có sọc ngang đơn giản nửa phía dưới áo.

Người Brâu sống ở tỉnh Stung Treng, CampuchiaCăn cứ vào đặc điểm này, rõ ràng trang phục của thí sinh Miss Grand Campuchia – bộ cánh 2 dây xuyên thấu, xẻ cao – không phải váy truyền thống của người Brâu. Cũng không thể lấp liếm rằng nữ thí sinh mặc trang phục đã qua biến tấu vì chất vải, cách xử lý phom dáng hoàn toàn khác những gì phụ nữ Brâu hoặc trang phục mà những phụ nữ Campuchia khác đã mặc.

Điều này lý giải vì sao chính quyền Stung Treng lại phản ứng mạnh, và cho rằng nữ thí sinh góp phần tuyên truyền sai lệch văn hóa cũng như giá trị đẹp đẽ của tỉnh.

Sau rất nhiều chỉ trích và tranh cãi, đơn vị tổ chức cuộc thi đã lên tiếng nhận sai sót. Công ty Mahahang Productions giải thích rằng phía họ đã không xem xét kỹ lưỡng, giám sát và tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi cho thí sinh trình diễn.

In Sophin – chủ sở hữu Mahahang Productions – nói trên Khmer Times: “Để ngăn chặn vấn đề này lặp lại, chúng tôi quyết định loại bỏ trang phục đó khỏi cuộc thi và hứa tuân thủ các quy tắc đạo đức, hướng dẫn và khuyến nghị của cơ quan có liên quan”./.

(Theo Zing)

Bài viết liên quan

Nam vương Phạm Tuấn Ngọc đoạt Á vương 1 Mr World 2024

Tối 23/11, chung kết Mr World 2024 (Nam vương Thế giới) đã chính thức được diễn ra tại  NovaWorld Phan Thiet- Tỉnh Bình Thuận. Chung kết Mr World 2024 gồm các phần thi: Dance of the World, trang phục áo dài, trang phục thể thao, trình diễn vest, ứng xử...