Triển lãm “Giao hòa- Thu 2023” tại The World ArtSpace- TP.Hồ Chí Minh sẽ trưng bày 26 tác phẩm lụa, sơn dầu, tổng hợp… của hai họa sĩ Bùi Việt Dũng và Phạm Tô Chiêm đến từ Hà Nội.
Họa sĩ Phạm Tô Chiêm sinh năm 1965, Tốt nghiệp ngành đồ họa – Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Còn họa sĩ Bùi Việt Dũng sinh năm 1957, Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế khóa 1977- 1982 (sau năm 1980 đã đổi thành Đại học Nghệ thuật Huế).
Họa sĩ Bùi Việt Dũng
Họa sĩ Phạm Tô Chiêm
Trong những ngày đầu tiên của tháng 8, giữa tiết trời bắt đầu mang theo hơi thu, có hai họa sĩ mang 26 bức tranh từ Hà Nội hành phương nam. Họ là những người bạn tâm giao, những người đồng hành cùng nhau trên con đường nghệ thuật, dù mỗi người một phong cách sáng tạo và mỗi người lựa chọn một chất liệu để thể hiện.
Điểm chung của hai người họa sĩ là cùng chọn biểu hiện để thể hiện ngôn ngữ nghệ thuật sau những chặng dài hoạt động nỗ lực.
Họa sĩ Bùi Việt Dũng
Thuộc thế hệ những người sống nội tâm, nên lối vẽ biểu hiện cho phép các họa sĩ mô tả tốt nhất những gì ẩn chứa trong sâu thẳm tâm tưởng của họ, những hình dung về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, những gì con người đối xử với thiên nhiên và hậu quả tất yếu.
Với người nghệ sĩ, sáng tạo tức là sống, là thở. Thế nên kể cả khi hiện còn nhiều bất ổn, sức sáng tạo không vì thế mà bị yếu đi, ngược lại, như một sự đối đầu, đôi khi lại càng thăng hoa.
HS Phạm Tô Chiêm
Cả hai họa sĩ cùng miệt mài vẽ mỗi ngày, tham gia rất nhiều triển lãm nhóm tại Hà Nội, TP.HCM… Tại triển lãm lần này hai họa sĩ Hà Nội mang đến với công chúng TP.HCM 26 tác phẩm, trong đó có tranh lụa, sơn dầu, tổng hợp…
Hội ngộ với công chúng giữa tiết thu, triển lãm “Giao hòa – Thu 2023” của hai họa sĩ Bùi Việt Dũng và Phạm Tô Chiêm sẽ khai mạc tại The World ArtSpace (21 Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) vào 10 giờ sáng Thứ 7 ngày 5/8/2023.
Các tác phẩm sẽ được trưng bày tại The World ArtSpace gallery từ ngày 5/8/2023 đến hết ngày 18/8/2023.
Cùng nghe những chia sẻ từ hai họa sĩ trước thềm khai mạc Triển lãm “Giao hòa- Thu 2023” vào ngày 5/8/2023 tại The World ArtSpace- TP.Hồ Chí Minh.
Thưa họa sĩ, xin ông cho biết điều gì khiến ông lựa chọn biểu hiện để thể hiện ngôn ngữ nghệ thuật ở giai đoạn này của các chặng đường sáng tạo?
Họa sĩ Bùi Việt Dũng:
- Tôi sống nội tâm, hay suy tư, tưởng tượng. Nghĩ về quá khứ và tưởng tượng tới tương lai. Lối vẽ biểu hiện cho phép tôi mô tả tốt nhất những gì ẩn chứa trong sâu thẳm tâm tưởng mình, những hình dung về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, những gì con người đối xử với thiên nhiên và hậu quả tất yếu. Ngày trẻ tôi thường mô tả sự nổi giận của thiên nhiên với con người, bay giờ khi tuổi đã khá nhiều, tôi lại ước mong con người và thiên nhiên được hoà nhập với nhau, được nương tựa vào nhau mà sống.
Bùi Việt Dũng – Chiều Vân Long. Lụa. 170cm x 115cm. 2019
Bùi Việt Dũng-Sương sớm. Lụa. 100cm x 150cm. 2019
Họa sĩ Phạm Tô Chiêm:
- Tôi chọn biểu hiện để vẽ lên những tác phẩm của mình vì nó hợp với mạch tình cảm và mạch chuyển đổi từ tư duy sang hội họa của tôi. Sự tiếp nhận và chắt lọc hình ảnh, mầu sắc, ánh sang từ thiên nhiên thật thú vị…nó vừa không mất đi tính tự nhiên mà lại có thêm tính tượng trưng của hình ảnh trong tác phẩm. Có lẽ, ngay từ khi học xong tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội tôi đã dần theo cách sáng tác này.
Phạm Tô Chiêm – Phố buồn
Hoa cuối vụ
Xin ông cho biết quan niệm nghệ thuật mà ông đã theo đuổi nhiều năm nay?
Họa sĩ Bùi Việt Dũng:
- Tôi mong muốn truyền tải được đến người xem quan niệm về cái đẹp, cái cần suy ngẫm theo cách nhìn, cách nghĩ trực diện của mình. Đơn giản, mạch lạc ở bút pháp, sâu sắc, đa dạng ở tư duy.
Bùi Việt Dũng-Giao hòa 1
Bùi Việt Dũng-Giao hòa 2
Họa sĩ Phạm Tô Chiêm:
- Quan điểm của tôi: Học nhiều nhưng sáng tác không giống ai.
Một số người cho rằng trường phái biểu hiện đang lên ngôi ở Việt Nam và được nhiều người yêu thích hơn các thể loại khác. Thậm chí giá bán tranh cũng thường cao hơn một số thể loại khác; Trong khi thực tế là một số đông vẫn rất xa lạ với thể loại này. Đâu là quan niệm đúng, thưa ông?
Phạm Tô Chiêm – Phố mưa
Phạm Tô Chiêm – Trừu tượng phố-70x90_2021
Họa sĩ Bùi Việt Dũng:
- Tôi nghĩ người nghệ sĩ nên cố giữ cho mình sự độc lập trong sáng tạo nghệ thuật. Đúng hay sai còn phải tuỳ thuộc vào cách nhìn của họ (nghệ sĩ) với thực tại cuộc sống. Đôi khi để mưu sinh, (nếu họ chỉ sống bằng nghề) họ có thể vừa sáng tác những tác phẩm chiều thị hiếu số đông để có tiền, đồng thời họ vẫn sáng tác những tác phẩm riêng của mình, cho mình và vì mình.
Bùi Việt Dũng-Giao hòa 3
Bùi Việt Dũng-Giao hòa 4
Họa sĩ Phạm Tô Chiêm:
- Tôi không rõ hội họa biểu hiện lên ngôi ra sao? Nhưng chuyện người thích và không thích là chuyện đương nhiên trong thưởng thức nghệ thuật. Người xem họ có quyền đó, thích và không thích. Và người sáng tác thì cũng vậy, thích và không thích.
Khó bán tranh thì thiếu động lực sáng tạo nhưng ngày nay một số họa sĩ bán tranh nhiều quá sẽ bị gặp phải vấn đề tự lặp lại chính mình. Xin ông cho biết suy nghĩ, quan điểm cá nhân về mối quan hệ giữa tiền bạc và nghệ thuật?
Họa sĩ Bùi Việt Dũng:
- Không thể yêu cầu người nghệ sĩ không “lặp lại chính mình”! Bán được tranh hay không bán được tranh, tôi nghĩ không ảnh hưởng nhiều đến cách nhìn nhận vấn đề, cũng như cách nhìn cái đẹp đã hình thành trong tâm hồn nghệ sĩ. Bố cục có thể thay đổi, bút pháp có thể thay đổi chút ít theo thời gian, nhưng phong cách thì ít khi bị ảnh hưởng.
Quan điểm của tôi về mối quan hệ giữa tiền bạc và nghệ thuật khá đơn giản: Có tiền thì có điều kiện để sáng tác hơn, có thể cho ra những tác phẩm “hoành tráng” hơn, có thể bay bổng tự do sáng tạo hơn, nhưng nói thế không có nghĩa là ít tiền thì không sáng tạo được những tác phẩm đẹp. Có thể tác phẩm sẽ nhỏ hơn, quy mô không lớn hơn, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo trong đầu người nghệ sĩ.
Họa sĩ Phạm Tô Chiêm:
- Để sống và làm việc thì người họa sĩ cần phải có tiền, muốn có tiền thì phải bán tranh – sản phẩm lao động nghệ thuật của họ. Điều này, là đúng không ai cấm.
Bán được nhưng lại vẽ như vậy để bán tiếp… cũng đơn giản vì nhu cầu cuộc sống cá nhân của họ cần thêm nhiều tiền. Nhưng chạy mãi theo đồng tiền cũng sẽ hỏng mất chất sang tạo của nghệ sĩ. Vậy họa sĩ cần phải biết sống chậm và biết rằng ta đi đến đâu? Và đến đâu là đủ cho ta… như một tu sĩ vậy.
Đối với một nền nghệ thuật còn nhiều bất ổn và chưa có sức thu hút đối với công chúng như mỹ thuật Việt hiện tại, đâu là động lực sáng tạo đối với người họa sĩ thưa ông?
Họa sĩ Bùi Việt Dũng:
- Động lực sáng tạo phải thường trực có trong người nghệ sĩ, bất kể ở đâu, trong hoàn cảnh nào. Tôi nghĩ với người nghệ sĩ, sáng tạo tức là sống, là thở. Thế cho nên kể cả khi hiện còn nhiều bất ổn, sức sáng tạo không vì thế mà bị yếu đi, ngược lại, như một sự đối đầu, đôi khi lại càng thăng hoa.
Có hay chưa có sức thu hút với công chúng không chỉ phụ thuộc vào riêng người nghệ sĩ, mà còn phụ thuộc vào cách cảm nhận cái đẹp của đông đảo người xem. Một khi sự cảm nhận cái đẹp của công chúng và sự cảm nhận cái đẹp theo cách riêng của người nghệ sĩ càng ngày càng nhích lại gần nhau, nói cách khác, một khi công chúng không chỉ cảm nhận được cái đẹp của một tác phảm nghệ thuật qua hình thức thể hiện của tác phẩm, như bố cục, màu sắc, đường nét, mà còn cảm nhận được “thông điệp” của người nghệ sĩ thông qua tác phẩm – có nghĩa là “đọc” được nó một cách rõ nhất có thể, thì có thể nói rằng “sức thu hút” đã quay về.
Họa sĩ Phạm Tô Chiêm:
- Động lực cho sáng tạo: Có lẽ, với tôi cuộc sống sáng tạo chính là động lực cho sáng tạo. Hãy sống thật tốt, thật khỏe, thật vui thì sáng tạo sẽ nảy sinh. Hãy sống vui, sống đẹp, lao động nhiều thì sẽ có nhiều sáng tạo. Sống chan hòa với mọi người thì sáng tạo có ích.
Xin cảm ơn họa sĩ!
Thông tin thêm về Họa sĩ Bùi Việt Dũng
Họa sĩ Bùi Việt Dũng, SN 1957, Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế khóa 1977- 1982 (sau năm 1980 đã đổi thành Đại học Nghệ thuật Huế).
Họa sĩ Bùi Việt Dũng là hoạ sĩ trình bày Tập san LICOGI 1994, Hoạ sĩ trình bày Tạp chí Kiến trúc Việt Nam 1996, là Giảng viên thỉnh giảng Đại học Kiến trúc Hà Nội 2000, Giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội 2005, Giảng viên ngành Mỹ thuật ứng dụng Đại học Kiến trúc Hà Nội. Đã về hưu.
– Tham gia các triển lãm từ 1982 đến 1999
– Triển lãm cá nhân “Đen và Trắng” 8/2000 (23 Đinh Tiên Hoàng Hà Nội)
– Triển lãm ba người “Cảm Âm” 8/2017 (29 Hàng Bài Hà Nội)
– Triển lãm bốn người “Tứ Diện cũ” 12/2018 (Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh)
– Triển lãm hai người “Tháng Tám” 8/2019 (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)
– Triển lãm nhóm “Tranh Giấy” 12/2019 (Hải Phòng)
Thông tin thêm về Họa sĩ Phạm Tô Chiêm:
Phạm Tô Chiêm Sinh năm: 1965, Tốt nghiệp ngành đồ họa – Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Hội viên Hội Mỹ thuật VN; Giảng dạy tại khoa Mỹ thuật công nghiệp – Trường ĐH Mở Hà Nội – từ năm 1995 đến 1997; Giảng dạy tại khoa Mỹ thuật – Trường Sư phạm Hà Nội – từ năm 1997 đến năm 1998; Biên tập Mỹ thuật tại NXB Kim Đồng từ 1997 tới nay.
Các Triển lãm tham gia:
– Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990 và một số năm nữa
– Triển lãm Trẻ – 1993
– Triển lãm chung tại Gallery Nam Sơn 1997
– Triển lãm Đối chọi – (2 người) tại Gallery Tự Do – 2013
– Triển lãm Đa diện (4 người) tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM …
– Tham gia một số các Triển lãm đồ họa khác nữa
– Đạt giải Ba khu vực về Đồ Họa do Hội MT VN trao tặng năm 2002.
Huy Gia