Hương Giang The New Mentor diễn thời trang phá cách của nhà thiết kế Gen Z

Đăng vào: 27/11/23

Á quân The New Mentor Hương Giang khoe vẻ sắc lạnh với trang phục của NTK Phạm Quang Thắng trong show thời trang tối 25/11 tại Hà Nội.

Hương Giang là người mẫu trình diễn bộ sưu tập của NTK Phạm Quang Thắng trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang tốt nghiệp – sự kiện thường niên của các sinh viên Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội. Năm nay, show có 22 nhà thiết kế tham gia giới thiệu bộ sưu tập.

Á quân The New Mentor diện bộ trang phục phá cách với áo choàng trùm đầu, đi kèm áo yếm khảm trai hòa trộn truyền thống và hiện đại.

Bộ sưu tập “Tinh hoa nghệ thuật” được Phạm Quang Thắng phát triển dựa trên cảm nhận nghề thủ công gỗ đang dần bị mai một. Nhà thiết kế muốn khắc họa vẻ đẹp của phụ nữ Việt qua việc kết hợp những khía cạnh thủ công với yếu tố mạnh mẽ, hiện đại.

Xuyên suốt bộ sưu tập là tông màu trầm tối nhằm phản ánh hiện thực đa số làng nghề truyền thống đang dần mai một. Chất liệu đều là vải tự nhiên như: vải Lãnh Mỹ A, lụa tơ tằm Vạn Phúc, đũi Nam Cao, vải lanh mài đá của người H’Mông, vải da dứa… với kỹ thuật xử lý như dệt, điêu khắc, khảm trai.

NTK Bùi Lê Ngọc Vy giới thiệu bộ sưu tập “Corporate Identities”, mở ra một thế giới đa chiều của chốn công sở với nét châm biếm. Bộ sưu tập tái hiện môi trường làm việc cạnh tranh, ngột ngạt của những cá tính khác biệt. Nhà thiết kế tái cấu trúc trang phục công sở với bảng màu đen, trắng, ghi, xanh denim, tạo sắc thái cường điệu, bụi phủi cho các thiết kế.

Bộ sưu tập “Achilles ở Việt Nam” của NTK Nguyễn Thu Trang lấy cảm hứng từ hai tác phẩm có thật và hư cấu về chiến tranh là cuốn “Achilles ở Việt Nam” của Johnathan Shay và “Iliad và Odyssey” của Homer.

Dựa trên việc nghiên cứu trang phục lịch sử trong chiến tranh Việt Nam và chia sẻ từ các cựu chiến binh, nhà thiết kế đã hiểu rõ hơn công năng và ý nghĩa của từng chi tiết trên trang phục và thiết bị quân sự, từ đó phát triển thiết kế. Màu sắc chủ đạo của bộ sưu tập chuyển dịch từ cam, xanh lam đến xanh đậm.

Bộ sưu tập “Hồi ký của mẹ” của NTK Trần Thị Cẩm Tú lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam thời kháng chiến và những vật dụng tiêu biểu giai đoạn này như khăn rằn, dép thủ công, áo giáp tái chế từ vỏ đạn. Bộ sưu tập kết hợp yếu tố hiện đại và xưa cũ nhằm tôn vinh phụ nữ Việt và gợi nhắc về cuộc kháng chiến hào hùng của đất nước.

Cẩm Tú chọn chất liệu đũi, lụa – những loại vải thủ công truyền thống và thân thiện với môi trường – nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về thời trang bền vững và trân trọng những giá trị lâu đời.

Bộ sưu tập “Comfort zone” được phát triển dựa trên ký ức tuổi thơ tràn ngập màu hồng của NTK Võ Minh Diệu Anh. Bộ sưu tập gồm các thiết kế rộng rãi, thoải mái với chất liệu len và chần bông, mang lại cảm giác ấm áp, dễ chịu. Diệu Anh sử dụng bảng màu pastel nhẹ nhàng như những cây bút sáp màu của trẻ em.

NTK Nguyễn Khánh Linh mang đến bộ sưu tập “Samurai’s Honor” dựa trên tinh thần kiên cường của những samurai Nhật Bản. Nhà thiết kế còn kết hợp nguồn cảm hứng với hình ảnh hoa mẫu đơn – tượng trưng cho người mẹ trong gia đình.

Bảng màu chủ đạo bao gồm các tông be và đỏ bã trầu, được nhuộm từ gỗ tô mộc. Chất liệu vải chủ yếu là lụa, lanh, lụa thô và vải gai, góp phần tạo nên vẻ đẹp mộc mạc cho các thiết kế.

Bộ sưu tập “Solwar” của NTK Nguyễn Hoàng Đức Anh tái hiện những vũ khí, trang phục của binh sĩ, máy bay phản lực, máy bay chiến đấu, những thương vong mà con người trải qua trong chiến tranh.

Bảng màu chủ đạo với những gam như đỏ, xanh lá và xám được thể hiện trên các chất liệu như kaki, nylon, lụa… Các thiết kế được kết hợp những chi tiết như túi, khóa kéo, áo giáp…

Được truyền cảm hứng từ bộ phim “The rises of the wind”, NTK Nguyễn Châu Linh sáng tạo nên bộ sưu tập “Gió thổi” với hình ảnh chủ đạo là bầu trời và máy bay. Các thiết kế với chi tiết xếp ly thể hiện hình ảnh cấu trúc của máy bay, phom dáng vuông vắn và đường cắt xẻ tượng trưng cho sự mạnh mẽ và quyết đoán.

NTK Dương Minh Anh sáng tạo bộ sưu tập “Đoan trang” dựa trên tinh thần trong thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương về khía cạnh tính dục và sự tự do của phụ nữ. Màu sắc chủ đạo của bộ sưu tập là be, đen, trắng, ngà, xám, xanh lơ. Nhiều kỹ thuật được sử dụng như: thêu, xếp lớp, cut out, xếp ly, gathering, nhuộm vải với thành phần tự nhiên, in và tạo hiệu ứng vết loang trên vải.

Bộ sưu tập “Kayris” truyền tải những cảm xúc bất định của NTK Nguyễn Thị Phượng khi đứng trước quyết định quan trọng trong việc tìm kiếm và thể hiện bản thân. Chất liệu lụa tơ tằm tự nhiên, lụa taffeta và dạ cao cấp góp phần tạo nên sự sang trọng. Thiết kế váy được dựa theo phom dáng corset ôm sát cơ thể, kết hợp phần độn vai và kỹ thuật đính kết hạt.

NTK Khuất Ngọc Hà sáng tạo bộ sưu tập “After Hours” dựa trên hiện tượng nhiều người ở Nhật Bản làm việc đến kiệt sức. Các thiết kế cho thấy sự thật tăm tối đằng sau lối sống vội vã của xã hội hiện nay.

Bảng màu gồm những tông như trắng, đen, xanh navy, đỏ đô và các tông xám. Chất liệu là loại thường thấy ở trang phục công sở như vải cotton twill, len, dạ ép, cotton poplin. Phom dáng quá khổ của các thiết kế gợi cảm giác lỏng lẻo, mệt mỏi, nhằm mô phỏng trạng thái thể chất và tâm lý của những người làm việc quá sức.

Theo Ngoisao.net

Bài viết liên quan