Kỹ sư Lê Phạm Huy và những dấu ấn Tết Việt lộng lẫy sắc Xuân

Đăng vào: 04/02/24

Trải qua 17 năm tổ chức, Lễ hội Tết Việt, một hoạt động thường niên của Nhà Văn hóa Thanh niên đã thu hút hàng triệu lượt khách đến thưởng ngoạn, chụp ảnh kỷ niệm và tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống trong những ngày Tết cổ truyền.

Và trong hành trình ấy, Kỹ sư Lê Phạm Huy có đến 5 năm gắn bó, cùng BGĐ Nhà Văn Hóa Thanh Niên không ngừng đổi mới, sáng tạo không gian lễ hội rực rỡ mai Vàng, mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc của TP.HCM khi Xuân về; Là dịp để quảng bá hình ảnh, con người, nét đẹp văn hóa của một Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Kỹ sư Lê Phạm Huy – CEO Công ty CP Green Konoha 

“Thách thức lớn nhất của tôi và các anh em trong công ty Green Konoha chính là luôn phải đổi mới, sáng tạo trong từng thiết kế cũng như cách thức thi công, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa đảm bảo an toàn cho người dân tham quan và đặc biệt là phải mang đậm nét văn hóa người của người dân thành phố theo yêu cầu của BGĐ Nhà Văn Hóa” – Kỹ sư Lê Phạm Huy – CEO Công ty CP Green Konoha – người có hơn 5 năm phụ trách thiết kế và thi công mai vàng tại Lễ hội Tết Việt, Phố Ông Đồ chia sẻ.

Kỹ sư Lê Phạm Huy cùng Anh Nguyễn Hồng Phúc – Giám đốc Nhà Văn Hóa Thanh Niên

Với đôi bàn tay khéo léo, anh đã làm cho những cành hoa mai bằng vải nhựa, những thân cây củi khô, trở nên có hồn, có sức sống và thu hút mãnh liệt đối với mọi người. Các sản phẩm cây cỏ giả được anh cùng đội ngũ thi công với những nét riêng biệt, vô cùng sinh động. Chính vì lẽ đó từ năm 2019, công ty của anh được chọn làm đơn vị thiết kế và thi công cho Lễ Hội Tết Việt – Phố Ông đồ.

Sau 17 năm kể từ lần xuất hiện đầu tiên vào Tết Đinh Hợi 2007, Lễ hội Tết Việt, Phố Ông Đồ đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, không thể thiếu của người dân TP. HCM và cả du khách quốc tế mỗi dịp Tết đến, xuân về, vì vậy, việc được chọn để thi công trang trí mai vàng là một vinh dự nhưng cũng không kém phần áp lực với anh CEO Lê Phạm Huy vì đây là điểm nhấn của cả Lễ Hội.

Trong những mùa Lễ hội Tết Việt, Lê Phạm Huy và các cộng sự của anh đã sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp: Tết Canh Tý năm 2020 là cây mai khổng lồ cao gần 10m tán rộng 9m, Tết Tân Sửu năm 2021 là cổng mai cổ thụ vô cùng độc đáo, Năm Nhâm Dần 2022 thì từng cây mai được chăm chút vô cùng tỷ mỉ và sinh động, Năm Quý Mão 2023 thì các cây mai được bố trí theo hình vòng cung thể hiện ý nghĩa ngày Tết sum vầy. Và Tết Giáp Thìn năm nay, công ty đảm nhận trang trí hơn 100 cây mai, với nhiều kích thước khác nhau từ 2m – 6m, bên cạnh các tiểu cảnh như mai vàng, đào đỏ, cành hồng, thì điểm nhấn của Phố Ông Đồ năm nay là không gian làng nghề với bức tường 600 chậu gốm, 300 chiếc nón lá, 500m chiếu dệt xếp chồng lên nhau…

Vì là năm Rồng nên Lễ Hội Tết Việt được BGĐ chăm chút kỹ lưỡng, gia tăng số lượng khu vực trang trí, hạng mục và đa dạng các loại cây với kích thước lớn hơn mọi năm, nhưng thời gian thi công lại ít hơn nên việc thi công gặp khó khăn hơn. Ngoài ra, bên cạnh trang trí cho lễ hội Tết Việt, công ty của Lê Phạm Huy còn nhận thêm các công trình trang trí cho Diamond Plaza, Chợ Bến Thành, UBND Quận và các chương trình sự kiện khác,…

“Công ty phải bố trí thêm nhân sự, hiện tại chúng tôi có hơn 30 nhân công chia làm 3 đội thi công làm việc song song, tăng ca ngày đêm để đảm bảo tiến độ kịp thời gian hoàn thành, kịp cho người dân tham quan, thưởng lãm trong những ngày lễ Tết”, kỹ sư Lê Phạm Huy chia sẻ.

Bên cạnh với Sắc vàng, đỏ đặc trưng cho ngày tết, lễ hội còn kết hợp nghệ thuật sắp đặt và trải nghiệm đa giác quan, khuôn viên chính bên trong Nhà Văn hóa tái hiện lại những hình ảnh Tết xưa của dân tộc với cổng nhà ba gian, làng nghề, bếp củi… Người dân, du khách đến với Lễ hội còn được thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc và mới lạ, hòa nhịp với định hướng phát triển văn hóa của TPHCM như: Chương trình nghệ thuật hát bội “Xuân yêu thương – Xuân vạn phúc”; Chương trình Đờn ca tài tử Nam bộ, kết hợp giao lưu biểu diễn các Thầy Đờn; Chương trình cải lương “Tiếng tre xanh”; Chương trình Dân ca “Thành phố tôi yêu”; Chương trình biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ do Nhóm hát Bài Chòi “À Ơi Phố” của Thành đoàn Thành phố Hội An thể hiện; chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc, biểu diễn ca múa nhạc, biểu diễn thời trang, biểu diễn Lân Sư Rồng…

Lễ hội Tết Việt chào đón Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra từ ngày 24-1 đến hết ngày 14-2 với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố tôi yêu“.

Khả Luân

Bài viết liên quan