Chân dung cha đẻ của thương hiệu Louis Vuitton (Louis Vuitton (4/8/1821 – 27/3/1892))
Từ một nghệ nhân chế tác rương tới thương hiệu túi sách đẳng cấp thế giới
Louis Vuitton (4/8/1821 – 27/3/1892) nhà sáng lập công ty cùng tên, sinh tại Jura, Pháp (giờ thuộc Lavans-sur-Valouse). Vào năm 1835, ông đi bộ từ Jura đến Paris. Suốt chuyến hành trình dài hơn 400km, ông làm đủ mọi nghề nhỏ nhặt từ người thợ đóng hòm cho đến người quản gia xuất chúng để chi trả chi phí.
Suốt quá trình trải nghiệm, ông tích lũy được những kiến thức chuyên ngành, hiểu rõ điều gì tạo nên chiếc túi xách du lịch chất lượng tốt. Chính từ đó ông bắt đầu tự thiết kế túi xách cho mình, tạo lập nên nền tảng của thương hiệu Louis Vuitton.
Năm 1857, công ty tham gia triển lãm quốc tế ở Paris. Để chống nạn làm giả các sản phẩm của mình, Vuitton thay đổi thiết kế Trianon sang dạng sọc màu beige và nâu vào năm 1876.
Năm 1885, công ty mở cửa hàng đầu tiên ở London trên đường Oxford. Do các mẫu thiết kế vẫn tiếp tục bị làm giả nên Vuitton đã tạo ra hoa văn có họa tiết bàn cờ (Damier) bao quanh dòng chữ “marque L. Vuitton déposée” (nghĩa là Louis Vuitton đã đăng ký thương hiệu). Năm 1892, Louis Vuitton qua đời và việc quản lý công ty được trao lại cho con trai của ông, Georges Vuitton.
Hình dáng logo LV lấy cảm hứng từ một loài hoa của Nhật Bản. Nó được tạo ra để chống lại nạn làm hàng nhái sản phẩm của công ty. Ngày nay, logo được xem như biểu tượng của sự xa hoa, hào nhoáng và đam mê. Tất cả các sản phẩm rương hòm mà ông thực hiện đều có họa tiết chữ LV lồng vào nhau và hình ảnh hoa bốn thùy trên nền da hoặc chất liệu vải canvas thượng hạng.
Nối tiếp thế hệ cha ông, thương hiệu Louis Vuitton phủ sóng khắp thế giới
Sau khi cha qua đời, Georges Vuitton bắt đầu chiến dịch đưa công ty ra thị trường toàn cầu, tổ chức triển lãm các sản phẩm của LV tại Hội chợ Thế giới Chicago vào năm 1893. Năm 1896, công ty quảng bá và lấy bằng sáng chế quốc tế cho huyền thoại Monogram Canvas. Đó được coi là một nỗ lực thành công trong việc ngăn chặn sản phẩm nhái thương hiệu. Cùng năm đó, Georges dừng chân tại Mỹ trong tour hành trình tới New York, Philadelphia và Chicago để quảng bá sản phẩm. Năm 1901, LV tung ra sản phẩm Steamer bag – một mẫu túi xách cầm tay được thiết kế để bên trong túi xách du lịch của Vuitton.
Năm 1930, tòa nhà của Louis Vuitton chính thức mở cửa tại Champs-Elysees – là cửa hiệu bán sản phẩm du lịch lớn nhất thế giới tại thời điểm đó. Các cửa hiệu khác cũng được khai trương tại New York, Bombay, Washington, D.C., London, Alexandria, và Buenos Aires khi Chiến tranh thế giới lần I bắt đầu. Sau đó, túi Keepall được ra mắt.
Cửa hàng Louis Vuitton tại Champs-Elysées, Paris
Trong năm 1932, LV tung ra túi Noé – loại túi ban đầu được làm để phục vụ nhu cầu vận chuyển của người buôn rượu. Rất nhanh sau đó, túi Speedy đã được LV giới thiệu (cả hai sản phẩm này đều được sản xuất đến ngày nay). Năm 1936, Georges Vuitton qua đời, để lại quyền quản lý cho con trai ông – Gaston-Louis Vuitton.
Trong suốt Thế chiến lần II, Louis Vuitton đã hợp tác với Đức quốc xã trong suốt thời gian Đức chiếm đóng Pháp. Gia đình Vuitton đã thành lập một nhà máy sản xuất riêng những sản phẩm tôn vinh Pétain, Thủ tướng chính quyền bù nhìn Pháp trong Thế chiến thứ II, trong đó có hơn 2.500 tượng bán thân.
Trong thời kỳ hậu chiến (1945 -2000) Louis Vuitton bắt đầu kết hợp sử dụng chất liệu da trong hầu hết các sản phẩm của công ty, từ ví nhỏ cho đến va-li. Để mở rộng dòng sản phẩm, vào năm 1959 công ty đã sửa hoa văn Monogram Canvas mềm mại hơn để các họa tiết đặc trưng này của LV có thể được sử dụng trên các sản phẩm nhỏ như ví, túi.
Năm 1978, thượng hiệu này mở các cửa hàng đầu tiên ở Tokyo và Osaka, Nhật Bản. Sau đó Louis Vuitton mở rộng thị trường ở châu Á với các cửa hàng ở Đài Bắc, Đài Loan, năm 1983 và Seoul, Hàn Quốc, một năm sau đó.
Năm 1987 chứng kiến sự ra đời của LVMH, Moët et Chandon và Hennessy, lần lượt dẫn đầu thương hiệu Sâm panh và Brandy, sáp nhập với Louis tạo nên dòng thương hiệu hàng cao cấp. Tính đến 1989, Louis Vuitton vận hành 130 cửa hiệu trên toàn thế giới. Bước vào những năm 90, Yves Carcelle trở thành chủ tịch của LV. Năm 1992, thương hiệu LV đặt chân đến Trung Quốc tại khách sạn Palace, Bắc Kinh. 1996, lễ kỷ niệm 100 năm dòng Monogram Cavas được tổ chức tại 7 nước trên thế giới.
Sau khi giới thiệu bộ sưu tập bút năm 1997, Marc Jacobs được mời làm Giám đốc nghệ thuật của LV (1998). Sự kiện cuối cùng của Louis Vuitton trong thế kỷ 20 là sự ra đời của dòng sản phẩm monogram (1999), mở cửa hàng đầu tiên tại châu Phi (2000) cuối cùng là phiên đấu giá tại Liên hoan Phim Quốc tế tại Venezia, Ý.
Năm 2001: Stephen Sprouse, cộng tác cùng Marc Jacobs cho ra dòng sản phẩm túi Louis số lượng có hạn với mẫu chữ graffiti lồng vào nhau. Jacobs cũng tung ra bộ vòng tay – bộ sưu tập trang sức đầu tiên của LV trong cùng năm đó.
Năm 2002: tòa nhà LV tại Tokyo chính thức khai trương.
Năm 2003: cửa hiệu tại Moskva (Nga) và New Delhi (Ấn Độ) mở cửa.
Năm 2004: Louis Vuitton kỷ niệm sinh nhật lần thứ 150 trên khắp thế giới. Trong năm này, LV tuyên dương các cửa hiệu tại New York, Sao Paulo và Johannesburg, mở cửa hàng đầu tiêu tại Thượng Hải.
Năm 2005: Cửa hàng Champs-Élysées của Louis Vuitton mở trở lại (từng nổi danh là cửa hàng LV lớn nhất thế giới) và tung ra bộ sưu tập đồng hồ Speedy.
Năm 2010: LV khai trương cửa hàng được xem là cao cấp nhất London.
Đầu năm 2011: LV thuê Kim Jones làm giám đốc thời trang may sẵn dành cho nam giới. Tháng 9 cùng năm, LV khai trương cửa hàng đầu tiên ở Singapore. Đây là cửa hàng đầu tiên của LV tại Đông Nam Á.
Tháng 9/2013: công ty mời Darren Spaziani làm giám đốc mảng phụ kiện. Đối với mảng thời trang nữ, tháng 11/2013, Nicolas Ghesquière chính thức thay thế Marc Jacobs đảm nhiệm vị trí giám đốc nghệ thuật.
Năm 2018: Louis Vuitton tách biệt hai mảng thời trang nam nữ. Nhà thiết kế streetwear Virgil Abloh được mời đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo dòng thời trang nam. Nicolas Ghesquière tiếp tục đảm nhận dòng thời trang nữ.
Tại Việt Nam, Louis Vuitton đã có hai cửa hàng đại lý tại Hà Nội (năm 1997) và Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2007).
Với những sáng tạo trong chiến lược Marketing của Louis Vuitton, những sản phẩm mang nhãn hiệu này ngày nay được ưa chuộng khắp thế giới, từ những đại lộ Paris cổ kính hay những đường phố hiện đại ở New York, London cho đến những thị trường bảo thủ như Ấn Độ hay Trung Quốc, nơi Louis Vuitton dần được nhận biết như một thương hiệu hàng đầu.
Tổng cộng, sản phẩm nhãn hiệu Vuitton đã và đang có mặt tại hơn 53 quốc gia trên thế giới với hơn 300 cửa hàng, đây được công nhận là nhãn hiệu hàng xa xỉ đứng đầu thế giới. Louis Vuitton có mức lãi hằng năm lên đến 40 – 45%, các sản phẩm được sản xuất tại 14 xưởng tại các nước Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, và đặc biệt có đến 80% công đoạn sản xuất túi xách được làm bằng tay.
Lê Nhân (Tổng hợp)