Với phần âm nhạc trong bộ phim “Em và Trịnh”, nhạc sĩ Đức Trí đã được vinh danh ở giải thưởng âm nhạc xuất sắc cho phim điện ảnh tại Cánh diều vàng 2023.
Tiếc là anh không có mặt tại buổi lễ để nhận giải thưởng danh giá này, vì anh đang thực hiện một cho dự án âm nhạc tại TPHCM – HANADAYORI NIGHT: MUSIC & IKEBANA PERFOMANCE.
Đêm trình diễn âm nhạc và nghệ thuật Ikebana do MetaScent tổ chức vào ngày 9/9/2023 sẽ có sự xuất hiện của Nhà thiết kế hoa hàng đầu Australia – Shoso Shimbo.
Tiến sĩ Shoso Shimbo là một Nghệ nhân Ikebana và điêu khắc gia hàng đầu tại Melbourne, Australia. Ông là một giáo viên Ikebana được chứng nhận và có hơn 30 năm kinh nghiệm về Ikebana. Vào cuối những năm 1980, Shoso là một trong những học viên ưu tú của Lớp học Ikebana dành riêng cho nam do Hiệu trưởng trường Sogetsu quá cố – Hiroshi Teshigahara thiết kế và hướng dẫn. (Ngoài vai trò là Hiệu trưởng Trường Ikebana Sogetsu, Teshigahara còn tham gia các môn nghệ thuật khác như thư pháp, gốm sứ, hội họa, opera và điện ảnh. Teshigahara được gọi là “một trong những đạo diễn Nhật Bản nổi tiếng nhất mọi thời đại”. Ông là người gốc Á đầu tiên được đề cử giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất, với tác phẩm điện ảnh Suna no onna “Sand Woman” năm 1964).
Nhìn lại những thành quả mà nhạc sĩ Đức Trí gặt hái được tại giải thưởng âm nhạc Cánh Diều Vàng của năm nay, chỉ biết tặng anh 2 từ đó là: Trân trọng.
Gần 2 năm đồng hành cùng “Em và Trịnh”, từ ngày nhận kịch bản cho đến khi ra album nhạc phim Vol.1 (Universal Music Vietnam vừa phát hành), ai cũng nghiệm ra một điều: Chỉ khi tâm hồn mình trong sáng thì nhìn bất cứ điều gì cũng thấy đẹp, và ngược lại.
Những khán giả đến xem phim sẽ cảm nhận được rất nhiều từ dự án phim này, là cảm nhận được sự truyền cảm hứng từ cuộc sống, con người mà tác phẩm Trịnh Công Sơn mang lại, là sau khi xem xong bộ phim, khán giả sẽ thấy yêu nhạc hơn, yêu cuộc đời này hơn.
Nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ: “Một điều dễ nhận thấy trong “Em và Trịnh”, tất cả các diễn viên đều được tập dượt rất kỹ phần âm nhạc. Bên cạnh 2 ca sĩ Bùi Lan Hương hay Avin Lu, hoặc người có khả năng ca hát như Nakatani Akari. Tôi cũng khá ngạc nhiên và băn khoăn làm sao để các diễn viên đều hát được. Nhà sản xuất đã rất quan tâm và làm tốt khâu này khi cho tôi thời gian tập cho từng người, tuy cực nhưng khi vào phim dễ dàng và có hiệu quả.
Xét về mặt âm nhạc cho phim “Em và Trịnh”, có thể khẳng định rằng, Đức Trí được coi là bậc thầy nhạc phim khi chính anh sử dụng đến phương án hát thật và đàn thật, qua đó mang lại những cảm xúc đặc biệt, chạm tới người xem.
Vì tính chất không gian và thời gian của “Em và Trịnh”, phần thu nhạc phim lần này có sự khác biệt, và cũng là một chi tiết thú vị khi các đoạn thu chủ yếu để phục vụ cho các phân cảnh cho phim, chứ không phải ghi âm cho một album. Đức Trí không phối mới, mà phải làm cho nó xưa hơn, tinh thần của nhạc phim này là không có âm thanh điện tử. Tất cả các nhạc cụ thu là nhạc cụ thật, diễn viên phải hát thật cùng lúc với ban nhạc, vì thế không thể biên tập, chỉnh giọng gì cả. Diễn viên chỉ có một cách là tập luyện kỹ để thu, họ sẽ được thu vài lần, chọn ra lần hay nhất.
Mục đích của quá trình này để thuyết phục người xem, rằng họ không thấy sự “phục dựng” các bản ghi mà như thể nó đã có từ những năm 50- 60 hay 90, đó là công việc cần sự hiểu biết và chuẩn bị khá cầu kỳ trong khâu sản xuất âm nhạc.
Nói về giải thưởng “Âm nhạc xuất sắc nhất” tại Cánh Diều Vàng năm nay, nhạc sĩ Đức Trí bày tỏ: “Là thành viên trong ê kíp phim, tôi rất vui khi công việc và sản phẩm âm nhạc của tôi được công nhận. Với bất cứ sự cộng tác nào dù là tác phẩm nhỏ hay dự án lớn, tôi đều làm việc bằng tất cả khả năng và tâm huyết. Giải thưởng lần này là niềm vui của toàn thể ê kíp âm nhạc của phim”.
Nhiều ý kiến cho rằng, âm nhạc đóng một vai trò quan trọng và góp phần làm nên thành công của bộ phim “Em và Trịnh”. Có được điều đó là nhờ sự hỗ trợ từ nhạc sĩ danh tiếng Đức Trí – người nghiên cứu rất kỹ lưỡng những nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Để làm nên bộ phim hoàn chỉnh, âm nhạc là chất xúc tác rất quan trọng trong việc tạo mạch cảm xúc, dẫn dắt khán giả chạm đến chiều sâu tâm lý của nhân vật lẫn tình huống phim. Khác với những dự án điện ảnh khác là phần âm nhạc sẽ được thực hiện khi nhạc sĩ được xem đường dây hình ảnh của bộ phim.
Đức Trí cho biết, anh giữ khá nhiều bản thảo của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khi làm phim, đoàn phim cũng liên hệ gia đình để có thêm những cuốn nhạc viết tay của ông. “Chúng tôi thu từ bài viết tay của anh Sơn, từ tư liệu gốc, chứ không tìm trên mạng để lấy lời, dù vậy vẫn có những sự khác nhau”.
Quy trình khi tôi nhận dự án này được xem thách thức lớn cho ê kíp sản xuất âm nhạc khi từ gia tài hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn, êkíp chắt lọc gần 40 bài để đưa vào phim. Màu sắc âm nhạc đồng điệu với cuộc đời cố nhạc sĩ ở mỗi giai đoạn: nồng nhiệt, lãng mạn thuở thanh xuân; day dứt, bùng nổ thời bom đạn và bình thản, sâu lắng ở tuổi trung niên.
“Với âm nhạc của Trịnh Công Sơn, cả khán giả lớn tuổi và trẻ tuổi đều có thể nghe được. Phần âm nhạc tôi sẽ không làm hoành tráng, cũng không phức tạp mà chỉ giữ bản phối tối giản, như cách ngày xưa Khánh Ly đã hát nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi thường nói với các bạn trẻ rằng, Trịnh Công Sơn cũng từng có thời tuổi trẻ, viết cho người trẻ, nên các bạn cứ thoải mái và hát một cách trẻ trung, đầy yêu thương.
Tôi đã được vinh dự nhận nhiều giải thưởng trong nhiều năm nhưng lần cảm xúc của tôi cũng vậy, là sự hạnh phúc mỗi khi tên tôi được xướng lên.
Tôi vui vì công sức của mình trong năm qua đã được công chúng đón nhận và giải thưởng xứng đáng. Tôi quý trọng tất cả giải thưởng mình được vinh danh, và “Cánh Diều Vàng 2023” thêm một lần nữa là nguồn động viên, là động lực và hành trang quan trọng trong sự nghiệp làm nghề của tôi”- Nhạc sĩ chia sê.
Gia Hưng