Nhân ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS 1/12, Hội phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội Bầu Trời Xanh, Phòng khám Nhà Mình tổ chức sự kiện Sống Trọn Vẹn 2024, tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên TP.HCM (Số 04 Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM).
Đây là hoạt động hướng đến chủ đề chung của Tháng hành động năm nay là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”. Sống Trọn Vẹn 2024 cũng là sự kiện thường niên hưởng ứng Tháng hành động Phòng chống HIV và Kỷ niệm Ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS 1/12. .
Sự kiện không chỉ là sự kiện quan trọng với cộng đồng Người sống với HIV và các nhóm ảnh hưởng chính, đây còn là dịp để cộng đồng cùng nhìn lại các hoạt động đã qua và xác định các vấn đề sắp tới nhằm chung tay cải thiện chất lượng cuộc sống của người sống với HIV, hướng tới một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc.
Với chủ đề “chất lượng cuộc sống của Người sống với HIV”, những hội thảo tại Sống Trọn Vẹn 2024 hướng đến việc đáp ứng Mục tiêu 95 thứ tư trong chiến lược phòng chống HIV/AIDS: đó là 95% Người sống với HIV có chất lượng cuộc sống tốt. Họ không chỉ được chẩn đoán, điều trị hiệu quả mà còn đảm bảo rằng mỗi cá nhân sống với HIV đều có quyền và cơ hội để sống một cuộc sống có ý nghĩa, đầy đủ và được hỗ trợ tối đa. Và trong Đêm Hội Ngộ, Hành trình sống của Người sống với HIV sẽ được chia sẻ bằng những câu chuyện của chính họ với nghị lực vươn lên để sống tốt và cống hiến cho xã hội, góp sức cho cộng đồng.
Sống Trọn Vẹn 2024 là không gian để người sống với HIV chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm sống, qua đó truyền cảm hứng và củng cố niềm tin vào cuộc sống. Được tổ chức với nhiều hoạt động đa dạng và thiết thực, chương trình bao gồm các hội thảo giao lưu cùng chuyên gia, và nhiều khu vực trưng bày cung cấp thông tin hữu ích về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại.
Các dẫn chứng từ những người đã vượt qua thử thách trong cuộc sống với HIV sẽ giúp cộng đồng hiểu rằng với sự hỗ trợ đúng đắn, cuộc sống của họ có thể trở nên tốt đẹp và ý nghĩa. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc tạo dựng một cộng đồng hỗ trợ tích cực và không kỳ thị sẽ góp phần cải thiện sức khỏe và tuổi thọ cho người sống với HIV. Chính vì vậy, Sống Trọn Vẹn 2024 là lời khẳng định mạnh mẽ rằng HIV không còn là dấu chấm hết mà là cơ hội để vươn lên, sống với hy vọng, và không ngừng tạo dựng những giá trị tích cực. Đây là bước tiến lớn trong công tác chăm sóc người sống với HIV, nhằm xóa bỏ kỳ thị và nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền được sống hạnh phúc của tất cả mọi người.
Chúng tôi mong muốn sự kiện này sẽ trở thành nguồn cảm hứng để mỗi người tham gia nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm cộng đồng, từ đó chung tay xây dựng một xã hội không còn kỳ thị, nơi người sống với HIV có thể hạnh phúc, khỏe mạnh, và tự tin.
Sự kiện có sự tham gia của PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y Tế; PGS. TS Phan Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; BS. Tiêu Thị Thu Vân – Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM;
Cùng Bùi Quỳnh Hoa – Miss Universe Việt Nam 2023, Lê Phan Hạnh Nguyên – á hậu 1 Miss Grand Việt Nam 2024, Quỳnh Anh – á hậu 1 Miss Universe Vietnam, Miss Equality World 2024 Nguyễn Trang Nhung, Lê Vũ Phương, Khắc Trung, Phạm Thư, MC Model Minh Khắc, Lừng Nguyễn…
Hoa hậu Bùi Quỳnh Hoa cho biết đây là lần thứ năm cô tham gia chương trình này. Ngay khi nhận được lời mời từ ông Nguyễn Anh Phong, Phó chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM thì sắp xếp nhận lời ngay bởi xem đây là hoạt động rất ý nghĩa.
Cô chia sẻ: “Tôi tin rằng với sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, ban ngành Việt Nam, mọi người thì những người sống chung với HIV/AIDS sẽ có cơ hội cởi mở hơn, tiếp xúc cộng đồng. Đến nay, mọi người đã bớt đi sự e ngại, kỳ thị. Đây là tín hiệu rất tốt”.
Qua các chương trình, Bùi Quỳnh Hoa cũng được tiếp nhận thêm nhiều kiến thức phòng, chống HIV/AIDS để bảo vệ chính mình, những người xung quanh. Bùi Quỳnh Hoa hy vọng sự kiện ngày càng lớn, quy mô để có thể tiếp tục lan toả những điều ý nghĩa. Cô cũng tin mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam sẽ chấm dứt bệnh AIDS có thể được hiện thực hoá.
Á hậu Hạnh Nguyên lần đầu tiên tham gia hoạt động này, thấy xúc động khi cộng đồng nhiễm HIV/AIDS được quan tâm, cũng như họ có sự nỗ lực, phấn đấu sống ý nghĩa, có ích.
Cô cam kết dùng lời nói, hành động để lan toả các thông điệp về phòng, chống HIV/AIDS cũng như tạo cơ hội cho cộng đồng người sống chung HIV, cũng như lan toả cuộc sống ý nghĩa của họ. Cô nói sẽ sẵn sàng đồng hành trong những sự kiện tiếp theo.
Quỳnh Anh – á hậu 1 Miss Universe Vietnam lần đầu đồng hành cùng Ngày hội Sống trọn vẹn 2024.
“Ngày hội có nhiều hoạt động tuyên truyền, cung cấp nhiều kiến thức, đồng thời nhắc nhở mọi người cách phòng chống HIV/AIDS.
Là người mẫu, á hậu, tôi dùng sức ảnh hưởng của mình gửi đến cộng đồng thông điệp về phòng chống căn bệnh thế kỷ” – Quỳnh Anh cho biết.
THÔNG TIN THÊM
Sự kiện được thực hiện bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, với các mục tiêu như sau:
1. Huy động sự tham gia của lực lượng thanh niên trẻ, học sinh, sinh viên và toàn thể cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để đạt được các mục tiêu 95-95-95 tạo đà cho giai đoạn mới với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
2. Tăng cường các hoạt động dự phòng trước lây nhiễm HIV (PrEP), xét nghiệm, điều trị sớm HIV/AIDS, Cung cấp dịch vụ toàn diện về phòng chống HIV/AIDS, quảng bá dịch vụ sẵn có về HIV/AIDS đến người dân đặc biệt các nhóm thanh niên trẻ, những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao.
3. Tăng cường sự chủ động tham gia tìm hiểu kiến thức điều trị và dự phòng HIV/AIDS của các đối tượng thanh niên trẻ, học sinh, sinh viên và cộng đồng.
4. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và Người ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Một số thông tin chung:
1. Tình hình dịch HIV tại Việt Nam
Tính đến năm 2024, tình hình dịch HIV tại Việt Nam đang có nhiều điểm đáng chú ý và đòi hỏi các biện pháp ứng phó mạnh mẽ hơn để đạt mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030.
Trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận 13,445 ca nhiễm HIV mới và 1,623 trường hợp tử vong, trong đó hơn 80% là nam giới nhiễm qua đường tình dục. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, và Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ ca nhiễm mới cao nhất. Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang tăng lên nhanh chóng, chiếm khoảng 60% số trường hợp nhiễm mới toàn quốc. Ở một số địa phương, tỷ lệ này lên đến 80% trong năm 2023.
Nhằm đối phó với tình hình này, Việt Nam đang mở rộng dịch vụ xét nghiệm HIV qua cộng đồng và trực tuyến, đồng thời tập trung vào các biện pháp phòng ngừa như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là MSM. Các biện pháp can thiệp như cung cấp bơm kim tiêm sạch và điều trị thay thế methadone vẫn được duy trì để kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy.
Mặc dù có tiến bộ trong việc điều trị với hơn 178,000 bệnh nhân HIV đang sử dụng thuốc kháng virus ARV, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc phổ biến các biện pháp phòng chống và điều trị trên toàn quốc.
2. Hội thảo MỤC TIÊU 95 THỨ 4: CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI SỐNG VỚI HIV
Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến bộ đáng kể trong việc ngăn ngừa và điều trị HIV/AIDS theo các mục tiêu của chương trình 95-95-95 của UNAIDS. Mặc dù vậy, một thách thức lớn vẫn tồn tại là làm sao để người nhiễm HIV có thể sống khỏe mạnh và hòa nhập xã hội như những người khác. Hội thảo sẽ xoay quanh các chủ đề chính như cải thiện sức khỏe tinh thần, đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn, hỗ trợ việc làm, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, đồng thời nâng cao sự hiểu biết của xã hội về cuộc sống của người sống với HIV.
Hội thảo này sẽ là dịp để các bên liên quan – bao gồm các tổ chức y tế, xã hội, các cơ quan chính phủ và người sống với HIV – cùng thảo luận về các giải pháp thực tiễn để đạt được mục tiêu 95 thứ tư. Những thông tin, kinh nghiệm và mô hình can thiệp từ các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ là cơ sở để xây dựng các chương trình hỗ trợ hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo quyền lợi cho người nhiễm HIV tại Việt Nam.
3. Hội thảo “CẬP NHẬT LUẬT PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS SỬA ĐỔI NĂM 2020 VÀ CÁC CHÍNH SÁCH MỚI”
Hội thảo “Cập Nhật Luật Phòng, Chống HIV/AIDS Sửa Đổi 2020 và Các Chính Sách Mới” là sự kiện quan trọng nhằm cung cấp thông tin mới nhất về những sửa đổi và bổ sung trong Luật Phòng, Chống HIV/AIDS được ban hành năm 2020. Sự kiện sẽ phân tích sâu các thay đổi về quyền lợi và trách nhiệm của người nhiễm HIV, cập nhật các chính sách hỗ trợ, bảo hiểm y tế, cũng như các biện pháp bảo vệ quyền lợi cho người sống với HIV trong môi trường làm việc và đời sống xã hội.
Đây là cơ hội để các cơ quan quản lý, tổ chức y tế, và cộng đồng người nhiễm HIV cùng thảo luận về cách thức triển khai các quy định mới nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và nâng cao chất lượng sống cho người nhiễm HIV. Hội thảo cũng sẽ giúp các bên liên quan nắm bắt rõ hơn về các chính sách hỗ trợ mới từ nhà nước và các tổ chức xã hội, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và sức khỏe cộng đồng.
4. Hội thảo “KHUNG HIỂU BIẾT KIẾN THỨC VỀ HIV CỦA NGƯỜI SỐNG VỚI HIV VÀ CÁC NHÓM ẢNH HƯỞNG”
Hội thảo “Khung hiểu biết kiến thức về HIV của người sống chung với HIV và các nhóm ảnh hưởng” được tổ chức nhằm thu thập ý kiến, đánh giá mức độ hiểu biết kiến thức HIV của cộng đồng người sống với HIV và các nhóm ảnh hưởng chính. Đây là một cơ hội quý báu để thảo luận về vai trò thiết yếu của kiến thức HIV trong dự phòng, điều trị, và giảm thiểu kỳ thị, phân biệt đối xử. Hội thảo hướng đến xây dựng một nền tảng kiến thức sâu rộng và vững chắc, giúp người tham gia có cái nhìn đầy đủ và chính xác hơn, đồng thời hỗ trợ cộng đồng nâng cao chất lượng cuộc sống và sự hòa nhập xã hội.
5. Hội thảo “HƯỚNG TỚI BỀN VỮNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH PrEP”
Hội thảo “Hướng tới xã hội hóa chương trình PrEP” được tổ chức với mục tiêu thảo luận về nhu cầu và tiềm năng triển khai các chương trình PrEP thu phí một phần và PrEP thương mại tại Việt Nam. Sự kiện sẽ tập trung vào việc phân tích các thuận lợi, khó khăn, và rào cản trong quá trình thí điểm và mở rộng chương trình, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng và bền vững cho cộng đồng có nhu cầu. Hội thảo cũng tạo ra diễn đàn trao đổi kinh nghiệm và ý kiến giữa các nhà chuyên môn, tổ chức y tế và các bên liên quan, hướng tới xây dựng mô hình PrEP xã hội hóa hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu thực tế.
6. Hội thảo “SỰ CHỦ ĐỘNG CỦA CỘNG ĐỒNG TRONG LĨNH VỰC HIV TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN GIAO BỀN VỮNG”
Trong bối cảnh chuyển giao bền vững, sự chủ động của cộng đồng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong lĩnh vực HIV. Hội thảo “Sự Chủ Động Của Cộng Đồng Trong Lĩnh Vực HIV Trong Bối Cảnh Chuyển Giao Bền Vững” không chỉ là một cơ hội để lắng nghe, mà còn là nơi để chính cộng đồng cùng nhau trao đổi, chia sẻ và tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm duy trì và phát triển các chương trình HIV trong tương lai. Đây sẽ là dịp để các đại biểu và chuyên gia cùng khám phá những cách thức mà cộng đồng có thể tự làm chủ, chủ động tham gia và định hướng hành động nhằm giảm thiểu tác động của HIV.
7. Hội thảo “Mpox VÀ NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI SỐNG VỚI HIV CẦN BIẾT”
Trước sự bùng phát của Mpox trên toàn cầu và những tác động đến cộng đồng người sống với HIV, hội thảo “Mpox và Những Điều Người Sống với HIV Cần Biết” được tổ chức nhằm cập nhật các kiến thức, kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh từ Việt Nam và thế giới. Hội thảo sẽ giới thiệu những mô hình can thiệp hiện đang áp dụng, đặc biệt là mô hình tư vấn, kết nối hỗ trợ tại TP.HCM – một phương pháp hiệu quả trong ứng phó với Mpox. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tăng cường sự kết nối giữa cộng đồng và hệ thống y tế, phát huy vai trò của cộng đồng trong truyền thông, tư vấn và hỗ trợ phòng chống dịch.
8. Hội thảo “TIẾP CẬN CÁC DỊCH VỤ HIV CHO NGƯỜI SỬ DỤNG CHẤT”
Hội thảo “Tiếp Cận Các Dịch Vụ HIV Cho Người Sử Dụng Chất” được tổ chức với mục tiêu tìm hiểu và thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ nhóm người sử dụng chất tiếp cận dễ dàng và hiệu quả hơn với các dịch vụ HIV. Trong bối cảnh các dịch vụ HIV đang dần được mở rộng, việc hỗ trợ và kết nối người sử dụng chất đến các dịch vụ y tế, tư vấn và điều trị HIV là một yếu tố quan trọng để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, cải thiện sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng sống cho từng cá nhân. Hội thảo sẽ là không gian chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các mô hình tiếp cận phù hợp, nhằm tạo nên một hệ thống hỗ trợ toàn diện và bền vững cho cộng đồng.
9. Hội thảo “TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS TỪ CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT DƯỢC PHẨM TRONG NƯỚC”
Hội thảo “Tăng Cường Sự Tham Gia Phòng Chống HIV/AIDS Từ Các Doanh Nghiệp Sản Xuất Dược Phẩm Trong Nước” được tổ chức nhằm kêu gọi sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam vào cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành dược đóng góp vào sự phát triển bền vững của các chương trình y tế, thông qua cung ứng thuốc điều trị, hỗ trợ nghiên cứu, và phát triển các sản phẩm có khả năng cải thiện chất lượng sống cho người sống với HIV. Hội thảo sẽ là diễn đàn để trao đổi về vai trò và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời xây dựng các chiến lược hợp tác bền vững giữa các bên nhằm đáp ứng hiệu quả các nhu cầu y tế công cộng.
10. Đêm Gala “SỐNG TRỌN VẸN”
Đêm hội “Sống Trọn Vẹn” là sự kiện đặc biệt nhằm lan tỏa thông điệp với mục tiêu giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Thông qua sự kiện này, chúng tôi mong muốn khơi dậy sự đồng cảm và lòng nhân ái từ gia đình, xã hội dành cho những người sống cùng HIV/AIDS, đồng thời nâng cao nhận thức về trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS đối với gia đình và cộng đồng. Đây cũng là dịp quan trọng để tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV và các nhóm chịu ảnh hưởng.
Sự kiện còn là lời kêu gọi sự phối hợp từ các văn nghệ sĩ, cơ quan báo chí và truyền thông trong việc hưởng ứng và lan tỏa thông điệp “Sống Trọn Vẹn”. Chúng tôi hy vọng rằng qua buổi gala, mọi người sẽ cùng nhau tìm hiểu kiến thức để bảo vệ chính mình và những người thân yêu khỏi nguy cơ lây nhiễm HIV, hướng tới một cuộc sống chất lượng và hạnh phúc hơn.
11. TRƯNG BÀY QUẢNG BÁ CÁC DỊCH VỤ DỰ PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ HIV SẴN CÓ VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN
Trưng bày “Quảng Bá Các Dịch Vụ Dự Phòng và Điều Trị HIV Sẵn Có và Các Vấn Đề Liên Quan” là không gian thông tin hữu ích dành cho cộng đồng, nhằm quảng bá những dịch vụ dự phòng và điều trị HIV đang có sẵn cũng như các dịch vụ hỗ trợ liên quan. Tại đây, người tham dự sẽ có cơ hội tìm hiểu về các loại thuốc dự phòng và phương pháp điều trị hiệu quả, cùng với những hỗ trợ cần thiết cho người sống với HIV và các nhóm bị ảnh hưởng.
Triển lãm còn đóng vai trò kết nối các đơn vị cung cấp dịch vụ từ các địa phương và khu vực lân cận, giúp người tham gia dễ dàng tiếp cận và sử dụng những dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình. Hãy cùng đến để hiểu thêm về các dịch vụ hỗ trợ, từ đó chung tay xây dựng cộng đồng khỏe mạnh và bền vững hơn.
Bảo Hà