Văn hóa phong tục của người Kinh, người Chăm cùng những tộc người thiểu số miền núi làm nên sự phong phú, đặc sắc của văn hóa xứ Quảng. Đặc biệt, các tục lạ xứ núi gây nên sự hiếu kỳ cho người miền xuôi.
Tín ngưỡng thông linh
Những tộc người chính sinh sống trên núi rừng bạt ngạt ở Quảng Nam có Co, Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xê Đăng… Phần lớn các phong tục của họ đều được lưu lại trong các câu truyện cổ. Nơi núi rừng hoang vắng, điều kiện sống khó khăn, các tộc người thiểu số này đều giống nhau ở điểm là tin vào các thế lực siêu nhiên, mọi việc suôn sẻ do thần linh giúp đỡ, việc xui xẻo chính là bởi thần linh quở trách.
Họ có rất nhiều nghi lễ, phong tục cúng thần linh… như lễ hội mừng lúa mới của người Giẻ Triêng (chuyện Lúa về kho), lễ hội đâm trâu của người Co (chuyện Okplíc và Okplóc). Đó là những lễ hội nông nghiệp, thể hiện người dân cảm ơn thần linh đã giúp đỡ để mùa vụ bội thu, thóc lúa đầy kho.
Trong lễ hội mừng lúa mới của người Giẻ Triêng, dân làng sẽ chọn một con trâu to béo đem đi cúng thần linh, già làng sẽ là người đầu tiên lấy dao đâm một nhát, sau đó dùng máu dâng lên thần linh. Lễ hội đâm trâu mang ý nghĩa tín ngưỡng quan trọng, bày tỏ sự biết ơn với Yàng, thần linh đã che chở, đùm bọc cho bản làng của họ (Văn học dân gian Quảng Nam, truyện cổ các dân tộc thiểu số miền núi, tr.73). Các lễ hội này bao giờ cũng rộn ràng âm thanh của tiếng chiêng, những điệu múa của trai gái trong bản, “âm hưởng còn vang vọng mãi núi rừng”.
Phong tục “ngủ duông” của đồng bào Cơ tu
“Ngủ duông” còn gọi là “ngủ Mái”. Đây là một trong những tâp tục văn hóa tiền hôn nhân độc đáo của đồng bào Cơ Tu đang sinh sống tại khu vực miền núi ở nước ta. Tại huyện Tây Giang, người Cơ tu xem phong tục “ngủ duông” là dịp để những đôi trai gái chưa có gia đình có cơ hội tìm hiểu nhau về tính cách cũng như lối sống của mình. Ngủ duông là một trong số ít những phong tục mà người Cơ Tu vẫn còn gìn giữ được đến ngày nay. Tập tục này chỉ xuất hiện vào các dịp Tết đến xuân về hoặc trong những dịp lễ hội lớn của làng như: lễ mừng nhà Gươl, lễ mừng lúa mới, lễ hội Pơ Ngoót (lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ Tu với nhau)…
Theo luật lệ đặt ra từ trước, để được đi duông với các cô gái, người con trai phải mang lễ vật như hạt cườm, vòng đeo cổ, các vật dụng có giá trị trong đời sống sinh hoạt đến cho nhà gái để xin “giấy phép”. Việc có đi “ngủ duông” hay không đều hoàn toàn phụ thuộc vào độ hoành tráng của lễ vật và ở sự quyết định của cha mẹ cô gái. Bởi một khi cha mẹ các cô đã nhận lễ thì dù có không muốn đi nữa, các cô vẫn phải “đi duông” cùng với người con trai đó.
Một số già làng cho biết, địa điểm các chàng trai Cơ Tu ưa thích để chọn làm nơi “ngủ duông” là những nơi cách thật xa bản làng, có thể nằm tít tận trong rừng sâu hoặc nằm sát bìa rừng. Thế nhưng, dù chàng trai chọn bất cứ vị trí nào để ngủ duông cũng cần phải thông báo cho già làng biết địa điểm mình chọn. Chọn được nơi ưng ý, các chàng trai sẽ bắt đầu tự mình đi kiếm những vật liệu cần thiết về để xây dựng “chốn riêng tư”. Nhiều chàng có điều kiện họ sẽ dựng căn nhà khá kiên cố với vật dụng đầy đủ như một ngôi nhà nhỏ trong buôn làng.
Mặc dù ngủ chung với nhau trong một chòi nhỏ, sinh sống như vợ chồng nhưng các chàng trai chỉ được phép tâm sự, ăn uống cùng nhau, hôn vào môi và cao nhất là chỉ có thể sờ vào “bầu sữa” của các cô gái, ngoài ra không được làm chuyện gì đi quá giới hạn đã được quy định. Các đôi nam nữ có quyền tự do tìm hiểu về nhau nhưng luật tục từ ngàn xưa của đồng bào Cơ Tu đã quy định hình thức xử phạt rất rõ ràng với những ai không tuân theo. Trong trường hợp quan hệ tình dục bừa bãi và xảy ra mang thai ngoài ý muốn thì đôi nam nữ đó phải chịu sự trừng phạt rất nặng từ các Giàng và Già làng. Người con trai đó phải mua một con heo trắng, xách ngược 4 chân lên trời đi đến từng nhà một trong làng xin tội.
Tập tục và kiêng kị
Người Kinh thường có các nghi lễ vòng đời như lễ đầy tháng, thôi nôi, cưới xin, tang ma… thì người anh em miền núi cũng có rất nhiều nghi lễ tương tự.
Truyện Adzeng Achai nói về phong tục người Cơ Tu mở tiệc để thiết đãi cả làng trong dịp nhà có lễ cưới hỏi. Khi mở hội ăn mừng thì luôn có tục đâm trâu (Chàng Pọt Thây). Ngoài ra, họ còn có những tập tục khác lạ. Truyện Sự tích con trâu không có hàm trên cho biết về lễ cưa răng của người Giẻ Triêng. Theo tục lệ, gia đình có con đến tuổi cưa răng phải nộp lễ vật cho làng để tiến hành các nghi lễ cưa răng.
Ngoài những chi tiết thú vị trong từng mẩu truyện cổ nói về phong tục đặc trưng của tộc người thiểu số, chúng ta còn được biết thêm nhiều thông tin về những điều kiêng kị trong văn hóa ẩm thực ở miền tây xứ Quảng. Đầu tiên, đó là tục kiêng ăn cua của họ A Tùng thuộc tộc người Cơ Tu.
Truyện Sự tích họ A Tùng kể về biến cố của một gia đình nhỏ. Có hai vợ chồng trẻ chưa có bếp riêng. Họ ra suối tìm cách bắt cá, mò cua, bắt ốc. Người vợ trẻ tìm được nhiều nấm, lại bắt được một con cua vàng rất to. Đứa con trai chưa đầy 1 tuổi trong nhà chẳng may bị con cua vàng ấy sổ dây buộc bò ra cắn chết. Gia đình ấy cứ khóc than mãi và kể từ đó họ kiêng luôn cả việc ăn cua.
Còn về việc kiêng ăn thịt chó của người Xê Đăng, Cơ Tu… bắt nguồn từ những câu chuyện nói về nguồn gốc tộc người của họ (vật tổ). Truyện Cội nguồn của người Cơ Tu kể lại rằng người Cơ Tu xuất hiện bằng việc cô gái duy nhất còn sống sót sau trận lũ đã lấy chú chó và sinh con đẻ cái.
Truyện Nguồn gốc của người Xê Đăng cũng ghi chép lại rằng cội nguồn của họ có liên quan đến loài chó. Việc kiêng ăn thịt chó của một số tộc người thiểu số ở Quảng Nam bắt nguồn từ yếu tố tô-tem mà thành tục lệ./.
(Theo TTV)