Phát triển du lịch nông thôn: Tìm cách khai thác “mỏ vàng” bền vững

Đăng vào: 23/11/23

Hiện cả nước có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% điểm, khu du lịch ở các khu vực nông thôn. Con số này cho thấy, tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn rất lớn. Tuy nhiên làm sao để khai thác hiệu quả “mỏ vàng” này vẫn là câu hỏi cần phải được đặt ra.

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu của Chương trình được xác định là “Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững”.

Du lịch trải nghiệm tại làng hoa giấy Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Văn Dừa.

Nhiều địa phương đẩy mạnh mô hình du lịch nông thôn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình NTM đã và đang mang lại lợi ích kép, vừa góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực; vừa nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Đến nay đã có nhiều địa phương ban hành đề án hoặc kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM. Nhiều tỉnh đặt mục tiêu sớm chuẩn hóa sản phẩm du lịch nông thôn và phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái. Đáng ghi nhận, tại nhiều địa phương nhờ triển khai đề án này, đời sống, kinh tế – xã hội đã thực sự khởi sắc.

Đơn cử như tại Hà Nội, Trang trại Đồng quê Ba Vì được thực hiện từ năm 2008, với mô hình du lịch nông nghiệp, mô hình thí điểm mang tính gợi mở tại vùng phụ cận chân núi Ba Vì. Trang trại đã xây dựng các loại hình du lịch nông nghiệp, đóng góp vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc có sự giao thoa giữa các dân tộc Kinh, Mường, Dao; không gian cộng đồng nông nghiệp truyền thống và các sản vật gốc thiên nhiên. Đáng chú ý, trang trại cũng gắn kết chặt chẽ với cộng đồng nông dân của các làng nghề nông nghiệp truyền thống xung quanh trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, văn hóa hình thành sản vật trồng trọt và chăn nuôi, để không những có các thông tin thật sự hấp dẫn du khách mà còn trở thành đơn vị quảng bá các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn của vùng.

Chị Nguyễn Thùy Linh, du khách đến từ Hưng Yên cho biết, chị và gia đình đã nhiều lần đến Trang trại đồng quê Ba Vì để trải nghiệm, chỉ mất khoảng hơn 1 giờ chạy xe là đến. Không gian ở đây rất thích và đặc biệt, trẻ con được trực tiếp tham gia nhiều hoạt động rất hữu ích như chăn nuôi gia súc, gia cầm, hay làm thử bác nông dân úp nơm bắt cá, hết sức thú vị…

Tại Vĩnh Phúc, mô hình du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với tìm hiểu lịch sử, văn hóa; du lịch trải nghiệm kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh; du lịch trải nghiệm kết hợp với làng nghề truyền thống, du lịch trải nghiệm kết hợp với du lịch sinh thái – nông trại; du lịch trải nghiệm đồng quê gắn với lao động sản xuất… phát triển khá mạnh mẽ, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm.

“Những mô hình này không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Hơn hết, đây là địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, độc đáo để du khách thêm hiểu biết, yêu quý hơn về đất và người nơi đây…” – ông Đỗ Hoàng Dương – Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ thông tin.

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nông thôn ở Việt Nam rất lớn. Với nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc, đây được ví như “mỏ vàng” để khai thác loại hình du lịch này.

“Mô hình du lịch nông thôn không chỉ đem lại sinh kế cho nông dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái. Đồng thời hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch”, TS Nguyễn Tiến Định – Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) khẳng định.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Hảo – Giám đốc điều hành Khu nghỉ dưỡng Lolo Heritage Resort Đồng Văn (Hà Giang) cho rằng, du lịch cộng đồng ở Việt Nam góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao; góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm); phát huy giá trị văn hóa của các vùng, miền.

Nhiều du khách ưa thích trải nghiệm các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều tiềm năng chưa được khám phá

Mặc dù mang lại lợi ích kinh tế, nhưng tới nay, loại hình du lịch này chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là khai thác các sản phẩm sẵn có, chưa tạo ra sự độc đáo về văn hóa và giá trị gia tăng sản phẩm. Nguyên nhân là do thiếu quy hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực này chưa cụ thể. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Nhiều điểm đến gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch.

Đánh giá tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn, bà Nguyễn Thị Phượng (Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam) cho rằng nhiều địa phương chưa nhìn thấy tiềm năng từ loại hình du lịch này. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau.

Trong khi đó, GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung – Viện trưởng Viện Khoa học phát triển nông thôn cho rằng nhiều điểm du lịch chưa kết nối được với cộng đồng. “Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành lĩnh vực mũi nhọn thu hút du khách lưu trú lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn cần phải gắn kết du lịch trải nghiệm nông nghiệp với các hoạt động làng nghề; có chính sách nguồn nhân lực nông thôn, tập trung định hướng chuyển đổi nghề cho thế hệ trẻ tại các địa phương cùng tham gia làm kinh tế; kết nối giữa ngành du lịch và giáo dục để đẩy mạnh du lịch trải nghiệm, tạo nguồn khách ổn định cho các điểm du lịch nông nghiệp” – bà Dung nhấn mạnh.

Phản ánh những bất cập trong quá trình khai thác loại hình du lịch này, bà Trần Thị Lan – Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho biết nhiều mô hình chưa tạo ra nét riêng. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn cũng chưa thỏa đáng.

Để tạo đà cho du lịch nông thôn phát triển, ông Nguyễn Đức Thắng – Trưởng khoa Du lịch (Trường đại học Công nghệ Đông Á) khuyến nghị, ngành du lịch cần xây dựng bộ tiêu chuẩn công nhận, đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng tại khu vực nông thôn, từ đó thống nhất cách thức quản lý. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế huy động vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan:

Sớm tháo gỡ khó khăn từ đất đai

Giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không đơn thuần mang lại thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương mà còn tạo ra giá trị vô hình khác. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn từ đất đai, khơi dậy nguồn lực, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

TS. Nguyễn Anh Phong – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard):

Hình thành các “điểm đến vệ tinh”

Du lịch nông thôn, sinh thái là loại hình du lịch đem lại nhiều triển vọng về kinh tế cũng như lợi ích xã hội, đặc biệt với Việt Nam là nước có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, các địa phương có nhiều loại hình, sản phẩm nông nghiệp phong phú. Tuy nhiên phát triển loại hình này cần phải theo hướng bền vững gắn với môi trường sinh thái. Song song với đó, cần tăng cường kết nối du lịch với cộng đồng, hình thành các “điểm đến vệ tinh” gắn với các trung tâm du lịch lớn. Cần ưu tiên thiết kế sản phẩm du lịch nông nghiệp xanh ở cấp độ thôn bản gắn với quy hoạch không gian, kiến trúc tổng thể.

Theo Báo Đại đoàn kết

 

Bài viết liên quan