Tối 30/ 11, đêm hội Công bằng và đa dạng “Vì hiểu mà đến” đã diễn ra tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên TP.HCM.
Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ ngày hội “Sống trọn vẹn 2023 – Từng phút giây, từng hơi thở”.
Ngày hội do Hội phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam TPHCM phối hợp với Công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội Bầu Trời Xanh, Phòng khám Nhà Mình phối hợp thực hiện.
Đây là một trong những sự kiện hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS 2023 và kỷ niệm ngày Thế giới Phòng chống AIDS 1-12. Năm nay, ngày hội có chủ đề Tháng hành động là “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”, diễn ra cả ngày từ sáng đến tối 30-11.
Tham dự ngày hội có: Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân – Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM; ông Doãn Trường Quang – Ủy viên thường vụ Thành Đoàn, Phó Chủ Tịch Thường Trực Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam TP.HCM; thạc sĩ Võ Hải Sơn – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; ThS. BS Lê Hồng Nga – PGĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM; ông Lê Trường Giang – Chủ tịch Hội Y tế Công Cộng; bà Nguyễn Thị Bích Huệ – Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS tại VN (UNAIDS); bà Susan Burns – Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM; ông Ono Masuo – Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM…
Đặc biệt có sự tham gia của nhiều văn nghệ sĩ như: NSND Kim Xuân, NTK Sĩ Hoàng, NSƯT Mỹ Uyên, hoa hậu H’Hen Niê, hoa hậu Bùi Quỳnh Hoa, á hậu Đặng Thanh Ngân, MC Trác Thúy Miêu, MC Phùng Quang Huy, đạo diễn Thái Huỳnh… cùng Phạm Thư, Trần An Vi và các thành viên của đội tình nguyện viên nghệ sĩ.
Đêm hội Công bằng và đa dạng “Vì hiểu mà đến” nhằm kêu gọi giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và người ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Sự công bằng và đa dạng trong dịch vụ phòng chống HIV/AIDS và các đối tượng hưởng lợi là mục tiêu hướng đến chấm dứt AIDS 2030.
Đồng thời kêu gọi sự phối hợp của văn nghệ sĩ, cơ quan báo chí, truyền thông, hưởng ứng thông điệp “Ngưng kỳ thị”, tìm hiểu kiến thức để bảo vệ chính mình và người thân khỏi nguy cơ lây nhiễm HIV.
Sáng cùng ngày diễn ra lễ khai mạc ngày hội “Sống Trọn Vẹn 2023 – Từng phút giây, từng hơi thở”.
Anh Doãn Trường Quang – Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam TP.HCM – cho biết theo số liệu thống kê 8 tháng đầu năm 2023 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó cần phải lưu tâm về tỷ lệ nhiễm HIV từ nhóm nam quan hệ đồng giới có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là độ tuổi thanh niên từ 16 – 29 tuổi, chiếm 41,7%.
Nhận thức được vai trò của tổ chức Hội trong việc đồng hành, hỗ trợ kịp thời cho thanh niên, trong thời gian qua, Hội LHTN Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng với các đơn vị có chức năng và chuyên môn phù hợp, đặt biệt với Hội phòng chống HIV/AIDS TP. Hồ Chí Minh thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền về phòng, chống các tệ nạn xã hội dẫn đến nguy cơ mắc HIV/AIDS như ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục không an toàn,… dành cho nhiều thành phần giới giới trẻ trong xã hội hiện nay.
“Trong thời gian tới, trước tình hình độ tuổi của Người sống với HIV đang trẻ hóa, Hội LHTN Việt Nam Thành phố vẫn sẽ tiếp tục là tổ chức tiên phong, xung kích tình nguyện trong việc tuyên truyền về công tác phòng chống HIV/AIDS và đồng hành hỗ trợ cho thanh thiếu niên có HIV/AIDS tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, Hội LHTN Việt Nam Thành phố sẽ phối hợp với Hội phòng, chống HIV/AIDS Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền cho các nhóm người có hành vi nguy cơ cao đi xét nghiệm HIV định kỳ, đặc biệt là trong độ tuổi thanh niên, học sinh, sinh viên; thực hiện các hoạt động trực quan để tuyên truyền, phổ biến về lợi ích việc tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS; đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân nói chung và thanh niên nói riêng về giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm bệnh và người thân của họ; giới thiệu, quảng bá đến người dân nói chung và thanh niên nói riêng các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS tại Thành phố” – anh Doãn Trường Quang nhấn mạnh.
Bùi Quỳnh Hoa cho biết năm nay là lần thứ tư cô tham gia Ngày hội Sống trọn vẹn 2023, đồng hành cùng Hội phòng chống HIV/AIDS TP.HCM.
“Tôi tham dự chương trình từ những ngày đầu chương trình có tên là Dải băng đỏ. Bản thân Hoa thay đổi rất nhiều từ chương trình này, học hỏi nhiều, trải nghiệm và giúp đỡ các bạn trong cộng đồng. Hoa cảm thấy hạnh phúc khi tham gia chương trình này.
Không ai mong muốn mình mang bệnh trong người, có những bạn trẻ không may bị lây nhiềm do bị truyền từ bố mẹ sang. Hoa mong muốn cộng đồng nhìn nhận người sống chung với HIV/AIDS như là người bình thường, và không ai bị bỏ lại phía sau.
Dùng sức ảnh hưởng, tiếng nói của mình để chia sẻ, truyền tải mong muốn mọi người có suy nghĩ mở hơn, đón nhận những người trong cộng đồng. Hoa đi làm nhiều dự án, bản thân Hoa cũng được truyền cảm hứng từ những người trong cộng đồng.
Mai đến Trung tâm Mai Hòa có một bé bị bỏ rơi và sống chung với HIV/AIDS, các bé chia sẻ câu chuyện vượt qua nghịch cảnh, vượt qua sự kỳ thị như thế nào, đến hôm nay, các bé trưởng thành, cố nhiều cống hiến cho xã hội” – Bùi Quỳnh Hoa chia sẻ.
H’Hen Niê cho biết: “Các anh chị trong cộng đồng là sức mạnh, động lực để Hen cố gắng trong hành trình của mình. Hen mong tất cả mọi người trong cộng đồng tự tin, dám bước ra ngoài xã hội, không suy nghĩ mình là ai, bước ra ngoài ánh sáng tiếp tục theo đuổi ước mơ”.
NSND Kim Xuân chia sẻ: “Tôi mong tất cả mọi người mang mầm bệnh cũng có thể sống lạc quan, yêu đời và cống hiến cho xã hội những điều hữu ích”.
Anh Nguyễn Anh Phong – Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM nói mục tiêu của ngày hội là huy động sự tham gia của lực lượng thanh niên trẻ học sinh, sinh viên và toàn thể cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để đạt được các mục tiêu 90-90-90 tạo đà cho giai đoạn mới với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Tăng cường các hoạt động dự phòng trước lây nhiễm HIV (PrEP), xét nghiệm, điều trị sớm HIV/AIDS, Cung cấp dịch vụ toàn diện về phòng chống HIV/AIDS, quảng bá dịch vụ sẵn có về HIV/AIDS đến người dân đặc biệt các nhóm thanh niên trẻ đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao.
Tăng cường sự chủ động tham gia tìm hiểu kiến thức điều trị và dự phòng HIV/AIDS của các đối tượng thanh niên trẻ, học sinh, sinh viên và cộng đồng.
Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và Người ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Tình hình dịch HIV tại Việt Nam
Theo số liệu 8 tháng đầu năm 2023 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma tuy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,1% năm 2021) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 2,5% năm 2022); Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12,1%; đặc biệt tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,95% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 12,5% năm 2022). Số MSM chiếm khoảng 42,3% trong số người nhiễm HIV được phát hiện 8 tháng đầu năm 2023, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16 – 29 tuổi chiếm 41,7% đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).
Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 16 – 29 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này cho thấy, 88,5% lây qua đường tình dục, đối tượng là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 76,9% trong số những ca mới phát hiện trong độ tuổi này.
Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15 – 24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ 15 – 24 tuổi là 36,6%, ở nam độ tuổi này là 39,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đăng, đại học trở lên tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt ở 39,8% đối với nữ, và 48,7% đối với nam. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15 – 49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.
THÔNG TIN CHI TIẾT MỘT SỐ HỘI THẢO TRONG NGÀY HỘI
Hội thảo “HỌC VỀ GIỚI TÍNH, HIỂU VỀ SỨC KHỎE, TUỔI TRẺ AN TOÀN”
Theo các thống kê mới nhất, tình hình nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt nhóm tuổi 16-29 tăng nhanh trong số phát hiện mới, và hiểu biết về dự phòng lây nhiễm HIV cũng còn nhiều hạn chế trong nhóm tuổi này. Đó là lý do để chương trình này được thực hiện và bước đầu triển khai tại 03 tỉnh An Giang – Đồng Tháp – Lâm Đồng và đã nhận được những kết quả đáng khích lệ. Đúng như tên gọi của chương trình “HỌC VỀ GIỚI TÍNH, HIỂU VỀ SỨC KHỎE, TUỔI TRẺ AN TOÀN, khi có được những kiến thức đúng và hiểu biết về những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thì thế hệ trẻ sẽ bảo vệ được sức khỏe của mình một cách an toàn.
Hội thảo “NGƯỜI CÓ H VÀ SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG”
Sức khỏe răng miệng là một phần quan trọng của sức khỏe toàn thân, cũng là điều kiện tiên quyết để có thể đảm bảo được sức khỏe toàn diện, cơ thể khỏe mạnh và một đời sống tinh thần lành mạnh cho mỗi người, đặc biệt với cộng đồng người sống với HIV. Tuy nhiên việc chăm sóc sức khỏe răng miệng ở nhóm cộng đồng người sống với HIV vẫn còn nhiều hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, hội thảo “NGƯỜI CÓ H VÀ SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG” cung cấp những thông tin về thực trạng hiện nay, cũng như một số hoạt động chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người có H đã được triển khai trong những năm gần đây.
Hội thảo “DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN MẸ CON – THÀNH TỰU VÀ ĐỊNH HƯỚNG”
Năm 2023 đánh dấu cột mốc 20 năm triển khai chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, với rất nhiều hoạt động đã được thực hiện trên toàn quốc nhằm giảm thiểu số lượng trẻ nhiễm HIV từ mẹ. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ các trường hợp trẻ nhiễm HIV từ mẹ trong quá trình mang thai và trong lúc sinh nở, cũng như một số vấn đề còn tồn tại trong việc chuyển đổi trẻ từ các trung tâm hỗ trợ trẻ sang các cơ sở điều trị người lớn.
Chương trình hội thảo nhìn lại những thành tích đã đạt được trong 20 năm vừa qua, cùng với phần tọa đàm đối thoại giữa những người làm chương trình và chính cộng đồng, người tham gia sẽ có được cái nhìn toàn cảnh về chương trình, cũng như chung tay trong những hoạt động trong tương lai, những định hướng sắp tới nhằm giảm thiểu tối đa tỷ lệ trẻ mắc HIV từ mẹ.
Hội thảo “SỨC KHỎE CHO NGƯỜI CHUYỂN GIỚI”
Theo ước tính hiện nay tại Việt Nam có khoảng 400,000 người chuyển giới, Người Chuyển giới bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn trong những năm gần đây ở nhiều lĩnh vực và chủ đề khác nhau. Những câu hỏi, những vấn đề liên quan đến quá trình nhận diện bản thân, trải nghiệm vai trò giới, cho đến phẫu thuật, can thiệp nội tiết,… và cả những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm trí, đời sống sau can thiệp chuyển giới ngày càng được thảo luận nhiều hơn trong những nhóm cộng đồng. Những khó khăn mà người chuyển giới đang phải đối mặt là gì? Đã có những cơ sở và đơn vị, tổ chức nào đang hỗ trợ cho họ? Và cộng đồng có thể làm gì để hỗ trợ cho người chuyển giới? những câu hỏi sẽ được giải đáp tại phiên hội thảo “SỨC KHỎE CHO NGƯỜI CHUYỂN GIỚI”.
Hội thảo “NHIỄM TRÙNG CƠ HỘI: DỰ PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ”
Đối với người sống với HIV, nhiễm trùng cơ hội luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe và nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì lẽ đó, hội thảo “NHIỄM TRÙNG CƠ HỘI: DỰ PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ” cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến nhận biết dấu hiệu các bệnh nhiễm trùng cơ hội ở người có H, cách dự phòng và điều trị những bệnh nhiễm trùng cơ hội được chia sẻ từ kinh nghiệm của chính cộng đồng.
Hội thảo “TẢI LƯỢNG DƯỚI 1000 – NGUY CƠ BẰNG 0”
Cộng đồng người sống với HIV và người chăm sóc, những đơn vị và tổ chức quan tâm đều đã quen thuộc với khái niệm K=K (Không phát hiện = Không lây truyền), với ý nghĩa nếu người có H tuân thủ điều trị đạt tải lượng dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu) thì sẽ không còn khả năng lây truyền cho người khác qua quan hệ tình dục. Năm 2023, các phát hiện mới đã chỉ ra rằng nếu đạt tải lượng ức chế (1000 bản sao/1ml máu) thì nguy cơ lây truyền sẽ bằng 0. Điều này mang lại một hy vọng mới cho những người đang sống với HIV, có thể giảm đi sự kỳ thị và những khó khăn mà họ đã và đang đối mặt trong cuộc sống của mình, cũng như trao thêm sự tích cực cho các cặp đôi trái dấu, có thể yêu một cách tự tin và mạnh mẽ hơn.
Tại hội thảo, Chiến dịch “1000 = 0” cũng sẽ được khởi động và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, những người quan tâm và các tổ chức hỗ trợ.
Hội thảo “HIỂU VỀ CON”
Gia đình luôn là nơi bến đỗ bình yên nhất với mỗi con người, nhưng liệu rằng với người LGBT và người sống với HIV, gia đình có thật sự là nơi dễ dàng trút ra những tâm sự? Hội thảo trải dài với những dòng chia sẻ của những người con với Cha Mẹ của mình, những cung bậc cảm xúc, những câu chuyện, nỗi lòng mà người tham gia có thể nhìn thấy mình bên trong mỗi câu chuyện được gửi về. Đến để lắng nghe, để cảm nhận, chia sẻ và thấu hiểu nhiều hơn cho những đứa con của mình, và cũng là một cơ hội để hiểu được những nỗi lo của Cha Mẹ như thế nào khi có con là người LGBT.
Gala đêm hội công bằng và đa dạng “VÌ HIỂU MÀ ĐẾN!”
Điểm nhấn hàng năm của Sống Trọn Vẹn là chương trình Check in thảm đỏ, nơi người có H có được sự đồng hành từ văn nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trong xã hội, là minh chứng rằng cộng đồng không đơn độc trên hành trình đi đến Công Bằng trong dịch vụ, trong các nhu cầu và những hoạt động của mình. Đặc biệt hơn, Gala “VÌ HIỂU MÀ ĐẾN!” là dịp để cùng ngồi lại, lắng nghe những câu chuyện, những tâm sự về những điều đã làm được, những mong đợi và ấp ủ cho tương lai, để cùng trao nhau cái ôm, cái nắm tay và truyền đi những năng lượng tích cực, để có thêm động lực và cố gắng trong cuộc sống của mình mỗi ngày.
Gia Lê