Gặp chủ nhân của những món đồ jean tái chế vô cùng đẹp mắt, có tính hữu dụng cao và giờ là chủ kinh doanh tiệm đồ jean tái chế, tôi vẫn chưa hết bất ngờ trước những điều mà chị Hải Yến (29 tuổi, quê Bắc Giang) đã và đang làm.
Bén duyên với đồ jean
Tình cờ thấy chị qua một chương trình về sống xanh, bảo vệ môi trường trên truyền hình cách đây không lâu, tôi rất ngưỡng mộ và muốn tìm hiểu sâu hơn về công việc chị đang thực hiện, đặc biệt, sức cuốn hút của những món đồ tái chế từ jean làm tôi mê mẩn. Không chỉ chiếm lĩnh cảm xúc về vẻ đẹp thời trang, quan trọng hơn, ý nghĩa hơn là hoạt động này như một cách góp phần bảo vệ môi trường, làm cho cuộc sống xanh hơn, đẹp hơn.
Sản phẩm tái chế jean của Hải Yến vô cùng đa dạng
Bén duyên với đồ jean
Tình cờ thấy chị qua một chương trình về sống xanh, bảo vệ môi trường trên truyền hình cách đây không lâu, tôi rất ngưỡng mộ và muốn tìm hiểu sâu hơn về công việc chị đang thực hiện, đặc biệt, sức cuốn hút của những món đồ tái chế từ jean làm tôi mê mẩn. Không chỉ chiếm lĩnh cảm xúc về vẻ đẹp thời trang, quan trọng hơn, ý nghĩa hơn là hoạt động này như một cách góp phần bảo vệ môi trường, làm cho cuộc sống xanh hơn, đẹp hơn.
Công việc tái chế đồ jean và tạo ra cho mình một “thủ phủ” về các mặt hàng thời trang làm từ jean tái chế đã được chị Yến thực hiện hơn 5 năm nay. Trên con phố nhỏ tại huyện Việt Yên, Bắc Giang, trong cửa hàng của mình, nhóm nhân sự của chị Yến vẫn miệt mài cắt cúp, may vá từ những chiếc quần, áo hay cặp sách jean bỏ đi và bằng sự sáng tạo, chuyên cần, miệt mài của mình, họ đã tạo ra các sản phẩm thời trang, mỹ nghệ và cao hơn là thiết kế độc đáo sản phẩm trang trí liên quan đến jean. Chị vẫn thường nói: “Niềm vui đến với mình mỗi ngày khi mà có khá nhiều anh chị em tới thăm cửa hàng mới. Mọi người đều hào hứng, yêu thích các sản phẩm tái chế từ jean của chúng mình”.
Tốt nghiệp ĐH Lao động – Xã hội nhưng Hải Yến quyết định theo con đường riêng của mình với đồ tái chế jean, bởi từ những năm tháng sinh viên chị đã biết đến và đam mê với việc này. Tham gia nhiều hoạt động tình nguyện từ môi trường khi còn ngồi trên ghế giảng đường, chị vẫn ấp ủ kế hoạch về công việc góp phần giảm thiểu rác thải, làm cho cuộc sống xanh hơn. Vậy là chí hướng làm đồ tái chế đã nhen nhóm trong Hải Yến.
Phát triển đồ jean tái chế
Từ những chiếc quần jeans cũ gom góp được, Hải Yến đã cố gắng tạo ra thật nhiều sản phẩm hữu ích, sáng tạo và tính ứng dụng cao. Ban đầu chỉ có vài ba đôi mẫu túi, ba lô, dần dần chị và các đồng nghiệp đã sáng tạo thêm được nhiều sản phẩm khác nữa. Như vậy, đồ jean cũ lại càng có nhiều cơ hội để tái sinh hơn. Theo lời chị kể, một số dụng cụ không thể thiếu trong việc tạo ra đồ jean tái chế là:
– Máy may chuyên dụng: các dòng máy công nghiệp, bán công nghiệp.
– Máy may gia đình: có thể may, nhưng phù hợp để may những mẫu túi mềm, ít lớp vải như túi tote, túi đeo chéo, mũ…
– Kim may: sử dụng kim số 16 – 18 (kim may quần áo thông thường là 11)
– Chỉ may: nếu may ít có thể mua một cuộn chỉ bò, loại chỉ để may jean, ngoài ra có thể dùng chỉ ni lông, chỉ dù.
– Tạo form túi: với những mẫu túi cần form đứng như balo, chị dùng mếch bông chuyên dụng để may túi, dùng bàn ủi là lớp keo dính chắc vào vải để tạo form cho túi.
Đó là những điều căn bản nhất để bắt tay vào thử tái chế đồ jean cũ của chính mình. Với những chiếc jean cũ, qua xử lý giặt sạch, cắt ghép, lựa chọn phần vải và họa tiết có thể sử dụng được thì đều có thể tái chế. Với những chất liệu của những quần jean khác nhau, có thể tái chế thành những vật dụng hữu ích phù hợp. Ví dụ với những chiếc jean mỏng sẽ tạo form cho một chiếc nơ tóc jean xinh xắn. Hay có thể sử dụng những vụn nhỏ jean sau khi cắt để tạo thành những đôi khuyên tai jean cá tính hoặc là chiếc túi đựng điện thoại độc đáo, tiện lợi.
Từ dự án workshop Tái chế jeans cũ được tài trợ bởi tổ chức Live & Learn thông qua Quỹ sáng kiến Vì không khí sạch – Thành phố xanh, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chị Hải Yến đã học hỏi nhiều kinh nghiệm và được truyền cảm hứng để tạo ra nhiều sản phẩm jean tái chế chất lượng. Nhiều sản phẩm tái chế của cô gái quê Bắc Giang đã được giới thiệu và trưng bày ở những triển lãm lớn, mới đây nhất là triển lãm Denims and Jeanss Vietnam 2024 diễn ra tại TPHCM.
Về hành trình tái chế đồ jean, chị Hải Yến cho biết, chị và các cộng sự đã đi được một hành trình khá dài trong việc “giải cứu” đồ jean cũ thành những món xinh xắn, hữu ích, đưa việc sử dụng sản phẩm tái chế đến gần hơn với cuộc sống thường ngày của nhiều người, giảm thiểu rác thải thời trang. Nhóm của chị vô cùng vui mừng khi có thể đóng góp một hành động nhỏ cho lý tưởng chung của toàn cầu là bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải, qua đó hướng đến cuộc sống xanh, trong lành.
Lan tỏa giá trị
Chị Hải Yến, trong lẽ sống đó, mong muốn tinh thần tái chế được lan tỏa thật nhiều tới cộng đồng. Bằng chứng là chị đã tổ chức các chuỗi workshop tái chế đồ jean tại Hà Nội, TP.HCM hay nhiều thành phố khác để nhiều người cùng có chung lý tưởng tái chế, bảo vệ môi trường, sống xanh tới tham dự. Bên cạnh đó, các workshop trải nghiệm và học căn bản về may đồ jean tái chế để kiếm thêm thu nhập cũng được nhóm của chị triển khai thường xuyên. Từ đây nhiều công ăn việc làm được tạo ra giúp cho nhiều người xung quanh chị tại Bắc Giang, các tỉnh lân cận có được công việc ổn định.
Hải Yến lan tỏa tình yêu với đồ tái chế tới mọi người
“Khoảng 1 năm về trước, chỉ có bản thân mình thực hiện công việc tỉ mẩn này, nhưng thật mừng vì giờ đây đã có thêm rất nhiều người yêu công việc tái chế đồ jean như mình, có những sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ. Mình cảm nhận được nguồn cảm hứng tái chế jean đã và đang được lan truyền tới thật nhiều người. Để biến những thứ bỏ đi thành sản phẩm đẹp quả thật không hề đơn giản. Đó sẽ là những ngày còng lưng từ sáng đến đêm, bụi vải quanh người, kết thúc ngày làm việc về nhà tắm gội bụi vải còn đầy trong mũi, sẽ có thêm nhiều vết chai trên đôi bàn tay vốn đã thô ráp vì làm đồ thủ công… Nhưng mình vẫn rất tự hào về những món đồ làm ra, trong đó chất chứa tất cả tâm huyết, niềm đam mê của mình. Việc chinh phục những món đồ jean cũ là niềm vui mỗi ngày. Và thật hạnh phúc vì mọi người công nhận, yêu mến những sản phẩm đó”, chị Hải Yến thổ lộ.
Chia tay Hải Yến tại cửa hàng của chị tại Bắc Giang, tôi vẫn quyến luyến hình ảnh những chiếc túi, chiếc cặp sách, ba lô hay kiểu áo jean được tái chế kỳ công, đẹp mắt mà chị và nhóm đã và đang thực hiện. Trong lòng tôi cũng đầy khấp khởi khi được nghe về nhiều dự án đầy hứa hẹn của chị trong thời gian tới. Chắc chắn nhiều sản phẩm tái chế jean chất lượng và đầy sáng tạo cũng như các triển lãm, workshop của Hải Yến sẽ tiếp tục được triển khai trong tương lai. Chúc cho công việc đầy ý nghĩa về môi trường của cô gái sinh năm 1995 luôn gặp thuận lợi, lan tỏa hơn nữa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.
Theo báo Thanh Niên