Việc nhiều nghệ sĩ, ban nhạc quốc tế nổi tiếng sang Việt Nam biểu diễn trong năm 2023 đã mở ra nhiều kỳ vọng cho ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam. Tuy nhiên, tham vọng biến Việt Nam trở thành sân khấu âm nhạc quốc tế vẫn còn ở phía trước.
Sau hơn 2 năm các sân khấu biểu diễn tại Việt Nam có phần đìu hiu bởi những tác động của dịch Covid-19, năm 2023 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của nền công nghiệp biểu diễn Việt Nam với hàng loạt chương trình âm nhạc chất lượng. Bên cạnh những show diễn được đầu tư bài bản của các nghệ sĩ hàng đầu showbiz Việt còn có sự xuất hiện của những ngôi sao âm nhạc quốc tế, tại các concert quy mô.
Điểm nhấn lớn nhất là concert của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink diễn ra vào tháng 7/2023. Với hai đêm diễn tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), thu hút tới hơn 60.000 khán giả, 4 thành viên mang về doanh thu kỷ lục, ước tính lên tới hơn 300 tỷ đồng. Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Hà Nội đón chào nghệ sĩ quốc tế tổ chức concert (buổi biểu diễn âm nhạc) tại địa điểm có sức chứa khán giả lớn nhất tại Thủ đô, cũng như đặt ra nhiều hy vọng về việc quảng bá văn hoá và phát triển du lịch.
Cuối tháng 11/2023, TPHCM cũng đón chào nhóm nhạc Pop huyền thoại Westlife với hai đêm diễn thuộc chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới mang tên The Wild Dreams Tour, thu hút ước tính khoảng 30.000 khán giả. Trước đó, đêm nhạc của nhóm nhạc Super Junior thu hút hơn 15.000 người tới sân vận động Quân Khu 7, TPHCM vào tháng 3/2023.
Ngoài ra, những đại nhạc hội gồm nhiều nghệ sĩ quốc tế như Hay Music Festival (Hà Nội, tháng 9); Wow-K Music Festival (TPHCM, tháng 10); Seen Festival (Hội An, tháng 6); Hozo Music Festival (tháng 12, TPHCM) cũng thu hút hàng chục nghìn khán giả.
Những ngày đầu năm 2024 trên các diễn đàn và trang web chính thức của một số công ty tổ chức sự kiện, không ít thông tin “úp mở” về việc những nghệ sĩ quốc tế sẽ xuất hiện tại Việt Nam trong năm 2024 đã được tung ra. Giới chuyên môn và khán giả nhận định, nhiều khả năng đây sẽ năm nở rộ của concert quốc tế tại Việt Nam, tạo nên những dấu ấn mới cho ngành công nghiệp âm nhạc đang phát triển.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các nghệ sĩ/ban nhạc quốc tế, vẫn còn nhiều điều phải làm, đặc biệt là yêu cầu về tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức khi mà không ít sự kiện âm nhạc trong năm qua vướng phải rắc rối, lùm xùm.
Dù được công chúng mong đợi, hai đêm diễn của nhóm nhạc Westlife xảy ra hàng loạt rắc rối. Trong đêm diễn đầu tiên, khu vực lều kỹ thuật gần như chắn tầm nhìn, khiến khán giả thuộc hạng vé ngồi mức giá 2.100.000 đồng không thể nhìn thấy sân khấu. Trước thực trạng trên, không ít người tỏ ra bức xúc, liên tục kêu gọi ban tổ chức hoàn lại vé. Không chỉ thế, sau đêm diễn, một số khán giả tiếp tục phản ánh việc họ nhận được vật phẩm cổ vũ in logo trang web cá cược trực tuyến khi vào xem show Westlife. Những lùm xùm này khiến ban tổ chức chương trình mất uy tín nghiêm trọng.
Đêm diễn mang tên X-mas Festival dự kiến diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình vào ngày 24 và 25/12 cũng gây bức xúc với nhiều khán giả. Dù đưa ra thông báo rầm rộ về sự góp mặt của dàn nghệ sĩ Hàn Quốc như: Kim Jae Joong, nhóm nhạc Highlight, MAMAMOO+, Nickhun…, nhưng chương trình sau đó dính phải hàng loạt lùm xùm. Đỉnh điểm của sự kiện là BTC bất ngờ thông báo hủy show vào tối 23/12 – một ngày trước đêm diễn. Không chỉ khán giả Việt bức xúc khi đã mất tiền đặt vé máy bay, khách sạn, những nghệ sĩ Hàn Quốc cũng không khỏi bất ngờ trước cách làm của đơn vị tổ chức.
Những thay đổi về mặt pháp lý cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp biểu diễn phát triển. Bà Nguyễn Quỳnh Anh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc dự án “Đàn chim Việt” cho rằng: Muốn có công nghiệp văn hóa thực sự, chúng ta cần có một hành lang pháp lý nghiêm khắc và cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát quản lý các hoạt động văn hóa trên nền tảng pháp lý đó. Một ví dụ đơn giản là cứ đưa danh sách các ca khúc, tác phẩm bị cấm biểu diễn, các nhà tổ chức chương trình sẽ căn cứ vào đó để chọn lựa chúng, mà không phải xin xét duyệt để lấy giấy phép cho từng chương trình, gây rất nhiều phiền hà. Một khung pháp lý với những quy định rõ ràng, tinh giản về mặt thủ tục sẽ tạo thêm điều kiện cho ngành công nghiệp biểu diễn nói riêng, các ngành công nhiệp văn hóa nói chung phát triển.
Dù con đường tiến tới công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành công nghiệp biểu diễn còn không ít gập ghềnh, khó khăn, nhưng với sự nỗ lực đồng bộ của các cơ quan quản lý, những công ty tổ chức biểu diễn, sự ủng hộ mạnh mẽ của lượng khán giả trẻ và cởi mở, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin trong vai trò của một điểm đến nghệ thuật văn minh và chuyên nghiệp trong tương lai gần.
Theo Báo Đại đoàn kết