“Tranh của tôi hiền hòa hơn chân dung chính tôi”

Đăng vào: 28/07/24

Triển lãm cá nhân của Họa sĩ  Phan Như Lâm mang tên “Ánh sáng đời tôi ”  sẽ chính thức khai mạc lúc 18 giờ ngày 28/7/2024 đến hết ngày 6/8/2024, tại Huyen Art House, 8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM.

1.

Phan Như Lâm sinh năm 1993 ở vùng quê nghèo huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, trong một gia đình thuần nông. Gia đình Lâm có 7 người con, 5 chị gái và 1 anh trai, nhưng không may, 1 trong số 5 chị gái đã qua đời từ rất sớm, lúc mới 3 tuổi. Ám ảnh này trở thành một ấn tượng theo Lâm cho tới ngày hôm nay, thành một trong những lý do ca ngợi vẻ đẹp bất tử của phụ nữ.

Tuy là nhà nông, nhưng ba mẹ vẫn luôn dạy các con rằng phải chăm ngoan học giỏi, dù cơ

cực, nhưng ba mẹ vẫn hy sinh hết phần đời của mình để làm việc, nuôi dạy các con trưởng thành. Món quà to lớn nhất ba mẹ đã dành cho Lâm đó là tình yêu và sự quan trọng của gia đình. Sự yêu thương ấy đã giúp tạo nên Lâm ở khía cạnh họa sĩ, dù đã gặp nhiều biến cố éo le trên con đường sự nghiệp.

Năm 2014, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Phan Như Lâm bén duyên với nghề vẽ, nên bắt đầu học vẽ với các thầy dạy vẽ. So với các bạn trong lớp luyện vẽ, Lâm dường như là hơi già, các bạn học cũng có vẻ nhanh nhạy hơn. Phan Như Lâm kể: “Có lần tôi hỏi thăm trò chuyện với một bạn cùng lớp luyện thi, thì mới biết rằng bạn ý thi rớt 2 lần rồi và cố gắng lần này sẽ cố gắng đậu. Từ đó tôi hiểu được rằng trước khi vào trường đại học mình cần phải có nền tảng kỹ thuật vững chắc. Tôi đã luyện vẽ hình họa xuyên suốt, cộng với dành thời gian đi làm thêm, làm người mẫu trên bục cho các bạn học viên nghiên cứu, phục vụ nhà hàng tiệc cưới, làm bảo vệ, làm công nhân, một số việc khác nữa… và về quê ở Bình Thuận phụ anh trai chăn nuôi gà. Nhờ sự giúp đỡ của các thầy dạy vẽ luyện thi, tới 2017 tôi đã tự tin thi vào Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Ngày nhận được kết quả báo đậu, tôi đang phụ việc cho một người anh đi trước vẽ tranh bích họa cho chùa. Niềm vui lân lân trong người làm tôi cảm thấy cuộc sống thật thú vị và đáng sống”.

Lâm nói thêm: “Vào Đại học Mỹ thuật TP.HCM niên khóa 2017-2022, tôi cảm thấy rằng mình không giỏi như các bạn cùng lớp, mặc dù đã cố gắng làm việc rất nhiều. Tôi cố gắng lân la học tập và tìm hiểu, có bạn cho biết trước khi bạn ý vào trường mỹ thuật thì đã học xong một trường mỹ thuật khác rồi, lúc đó tôi mới hiểu ra vấn đề nghệ thuật cần lượng lớn thời gian đầu tư theo năm tháng thì nội công mới phát triển được.

Với một khối lượng kiến thức lớn, học trong suốt 5 năm, từ các thầy cô giáo giảng dạy đã làm cho tôi cảm thấy bế tắc thực sự và hoài nghi vào chính mình và đã tự đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho bản thân rằng mình đã sai ở đâu? Mình đã làm gì? Và mình đã nhận được gì? Học được gì? Và nghiên cứu được gì hay chưa? Hay chỉ đang tích lũy kỹ năng, cách nhìn, và nhận thức về ngôn ngữ hội họa là như thế nào? Có những ngôn ngữ hội họa nào? Phong cách nào phù hợp với chính mình? Lý do gì nó lại thu hút mình đến vậy? Mình đã tập trung thật sự chưa?”…

“Ngay từ năm đầu của đại học, tôi may mắn được các anh thương và dẫn dắt đi vẽ những tác phẩm tranh bích họa cho các quán kinh doanh dịch vụ. Những hành trình thú vị ấy đã giúp tôi sớm cảm nhận được lợi ích của nghệ thuật áp dụng vào cuộc sống thực tiễn, thật giá trị và vô cùng ý nghĩa”.

2.

Quan điểm nghệ thuật của Phan Như Lâm

Bất kỳ ai muốn biết điều gì đó về tôi với tư cách là một nghệ sĩ, có lẽ họ nên quan sát thật chăm chú những bức tranh của tôi và từ đó tìm kiếm để nhận ra tôi là gì và tôi muốn gì.

Không có bức chân dung tự họa nào của tôi cả. Không có gì đặc biệt để xem khi nhìn vào tôi. Tôi là một họa sĩ, vẽ tranh từ ngày này qua ngày khác, từ sáng sớm đến xế chiều. Tranh của tôi hiền hòa hơn chân dung chính tôi. Tôi quan tâm nhiều hơn đến “vẽ những người khác, đặc biệt là phụ nữ”.

Tôi yêu thích sự đẹp đẽ trong nghệ thuật hội họa, vì trong thế giới của chính mình, tôi cảm nhận thấy thật sống động và thích thú.

Tôi bắt đầu sự nghiệp ngay với những giấc mơ tại xưởng vẽ của mình, làm việc với những bức tranh của mình, sống động và trung thực, tôi xem chúng như một cách để thể hiện ý kiến của mình trong cuộc sống. Giống như tôi ghi lại những nét của thời đại đã sống qua những bức vẽ và tranh của tôi. Tôi ghi lại cuộc đấu tranh hằng ngày của con người thông qua niềm đam mê và vẻ đẹp, với màu sắc thú vị của những biểu cảm được thể hiện trên gương mặt, những vệt màu đắt giá được tính toán đặt để ở những vị trí tinh tế nhất, trông cứ ngỡ vô ý, mà tự nhiên nhất, khiến bạn đắm chìm trong thế giới của tôi và của bạn nữa.

Chân dung được tạo ra, những chân dung sống động và chân thật của bạn bè, người thân, gia đình, những người ngư dân, như một cách để chia sẻ quan điểm của tôi về cuộc sống hiện đại cùng đời thường bình dị.

Bằng cách ghi lại thế hệ này trong các bức tranh “hiện thực và ấn tượng, cộng cả trang trí” được vẽ của mình tô ghi lại cuộc đấu tranh của thời đại này, trong thời đại kinh tế đổi mới.

Tôi mong những bức tranh của tôi mang lại cho người xem cảm nhận được tôi và đối tượng của tôi và cảm nhận được vẻ đẹp từ chúng, mang lại cho người xem cảm nhận được bản thân và khoảng thời gian mà người xem thuộc về. Giữa những bon chen của cuộc sống hằng ngày hiện đại của chính ta, hy vọng sẽ tìm thấy và giữ được vẻ đẹp lẫn đam mê.

3-

Nói về Triển lãm Ánh sáng tình tôi của Họa sĩ Phan Như Lâm– Ông  Lý Đợi, giám tuyển của triển lãm, nhận xét: Gần đây, khái niệm chữa lành hoặc liệu pháp/trị liệu nghệ thuật (art therapy) được sử dụng khá rộng rãi, mà phần nhiều là theo xu hướng từ ngữ hoặc lạm dụng để tạo sự chú ý. Trong sáng tạo cũng vậy, những tác phẩm bắt đầu từ một liệu pháp/trị liệu, hoặc trở thành một liệu pháp/trị liệu cũng thường khá ít, còn những tác phẩm “làm màu”, “tỏ vẻ” thì khá nhiều. Xem Ánh sáng tình tôi của Phan Như Lâm, thấy có yếu tố liệu pháp/trị liệu tự thân, vì người vẽ đang tìm cách trở thành chính mình.

Phan Như Lâm đến với việc học vẽ, tập vẽ và sáng tác không mấy dễ dàng. Phần khó khăn, thách thức về mặt đời sống chỉ là yếu tố phụ, phần khó khăn về tâm lý sáng tạo, làm sao để vẽ, làm sao để thành họa sĩ mới là thách thức chính yếu. Chính những băn khoăn này làm cho Phan Như Lâm gặp không ít khó khăn trong việc vẽ, việc sống đời họa sĩ và cả việc gìn giữ các mối quan hệ trong đời sống, trong cộng đồng mỹ thuật. Nghi ngờ, thất vọng và tuyệt vọng với chính mình là những cảm giác mà có lẽ Phan Như Lâm đã trải qua không ít lần, cho đến khi tìm ra được những nét vẽ đầu tiên cho bộ tranh Ánh sáng tình tôi. Chính vì vậy, đây là triển lãm có tính chất liệu pháp/trị liệu của Phan Như Lâm, là ánh sáng cho chính Phan Như Lâm, một dấu mốc trên con đường trở thành hoạ sĩ.

Bộ tranh này là một kết hợp của lối vẽ chân dung mang hơi hướng bán cổ điển, kỹ thuật biểu hiện và tinh thần lãng mạn. Dù cho Phan Như Lâm có mời mẫu Việt để nghiên cứu tạo hình cho một số tác phẩm, nhưng giải phẫu và tạo hình nhân vật nữ lại phảng phất một chút nét Tây. Yếu tố Tây này có lẽ đến từ quan niệm về vẻ đẹp cổ điển của loại tranh chân dung mà bản thân Lâm yêu thích, hoặc từ tỷ lệ giải phẫu mà Lâm theo đuổi, cũng như từ sự thay đổi về nhân dáng nhờ dinh dưỡng và lối sống mới của nhiều phụ nữ Việt ngày nay. Xem Ánh sáng tình tôi, thấy Phan Như Lâm dành nhiều ánh sáng và sự tụng ca cho các nhân vật nữ, để rồi từ họ, nhận về những ánh sáng cho chính mình.

Phụ nữ trong tranh Phan Như Lâm – cũng như đa số phụ nữ trong tranh của Lê Phổ, Mai Trung Thứ… trước đây – đang trong trạng thái điềm nhiên, thụ hưởng cuộc sống, thụ hưởng tình yêu và hạnh phúc. Nỗi buồn với họ, nếu có, cũng chỉ là nét buồn vương, buồn đài các, kiểu “Tâm tư tơ vướng vàng đôi sợi/ Gối nặng say hồn hương với hoa” (Phan Thanh Phước), vậy thôi. Dường như bao nhiêu những khó nhọc, băn khoăn thì để cánh đàn ông lo (có thể thấy ở bức Ngư dân, chẳng hạn), còn phụ nữ thì nên đẹp đẽ, an nhàn, nên sống trong năng lượng tích cực. Tất nhiên, đây là một ước muốn lãng mạn của Phan Như Lâm, như một cách thi vị hóa đời thực hoặc tình yêu, vì vậy mà, đó cũng là một cách tự chữa lành.

Và thật sự, những bức tranh trong Ánh sáng tình tôi đã giúp chữa lành cho Phan Như Lâm trong nhiều khía cạnh, mà đầu tiên là tâm lý sáng tác. Sau triển lãm này, Lâm sẽ nhìn thấy rõ hơn, tự tin hơn trên con đường mình sẽ đi hoặc sẽ rẽ lối, sẽ thay đổi. Chữa lành cả khía cạnh tham gia thị trường, để bình tĩnh hơn trong làm giá tranh và bán tranh. Chữa lành các mối quan hệ bị rạn nứt trong đời thường, trong tình cảm riêng tư, trong cộng đồng nghệ thuật. Nói như nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng: “Họa sĩ – kẻ sáng tạo nên mình”, ở tuổi “tam thập nhi lập”, Phan Như Lâm đang có không ít cơ hội hoặc ánh sáng để tạo nên chính mình.

4.

Ý kiến chuyên gia:

Lâm đồng cảm nhiều với sự sống: yêu mến trẻ em, cảm động với phụ nữ trong câu chuyện của họ, tràn ngập sự vui vẻ với thiên nhiên…

Lâm dùng những bảng màu ấm áp, rực rỡ; trong một lối biểu đạt gần gũi, tươi vui khoảnh khắc bình yên trong cuộc sống: giấc ngủ của trẻ nhỏ; cuộc tán gẫu thân mật; hoa trái trong các bức tĩnh vật, nắng len qua những hàng cây, mái nhà trong tranh phong cảnh…

Những vệt sơn bừng bừng màu sắc như cuộc sống tuôn chảy trong tranh.

Họa sĩ Đỗ Mỹ Duyên

(Khoa Mỹ thuật tạo hình, Đại học Mỹ thuật TP.HCM)

Về tác phẩm Ngư dân của Phan Như Lâm

Trong cuộc sống mưu sinh của người dân vùng biển, việc đánh bắt xa bờ hoặc gần bờ vẫn là một công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, mà mỗi người phải chấp nhận như một lẽ đương nhiên để sinh tồn.

Nghề biển – một cái nghề mà ngư dân phải đối diện với nhiều thách thức – như là một định mệnh. Nếu trời yên biển lặng thì còn có tôm cá mà đánh bắt, còn nếu như không may mắn, gặp phải thời tiết bất thường, phong ba bão tố, thì tôm cá chẳng có, mà có khi mạng sống cũng không giữ nổi.

Tác phẩm Ngư dân (còn gọi là Cá về) của họa sĩ Phan Như Lâm thể hiện không khí nhộn nhịp khi tàu vừa cập bến. Sự hân hoan, hạnh phúc mà ngư dân có được khi đón nhận thành quả lao động sau nhiều ngày tháng miệt mài đầy gian khó trước sóng to gió lớn. Niềm vui đó không chỉ hiện diện ở các ngư dân, mà còn được lan tỏa bởi những người mẹ, người vợ, bởi những đứa con, đứa cháu, bến thuyền, bãi cá đầy ắp, sẵn sàng cung ứng cho thương lái, người dùng.

Ngày qua ngày, việc chở cá về vốn là nhịp thở biến dị vốn có mà ngư dân vùng biển luôn mong ước, đón chờ, ở cả hiện tại và tương lai.

Họa sĩ Trương Phi Đức

(nguyên Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật TP.HCM)

5.

Phan Như Lâm nói về vài tác phẩm tiêu biểu:

+ Tác phẩm Hậu Hiền sáng tác năm 2023. Đó là một cái duyên gặp gỡ trong quá trình làm dự án công trình tượng đài và bản thân tôi phụ trách mảng tranh bích họa. Tháng 8/2022, tôi gặp chị Hiền, người vui tính và một trái tim ấm áp. Chân dung người chị xinh đẹp ấy có nét đẹp hơi thở như của phương Tây, Âu châu đã làm cho tôi cảm thấy hứng thú và không ngừng chiêm nghiệm suy tư đến thực hành sáng tác về điều ấy. Chị ấy chia sẻ trong mỗi lần gặp gỡ ít ỏi của hai chị em, vì chị khá bận, rằng chị thích hoa. Và đó là tín hiệu đắt giá mà tôi nhận được để có thể hoàn thiện tác phẩm. Chị ấy có đầu tóc bồng bềnh rất đẹp mang đậm chất rất riêng.

  • (Tên file: Hau Hien) Tác phẩm Hậu Hiền, sơn dầu, 120 x 140cm, 2023

+ Tác phẩm Chị Thắm bên hoa được sự đồng cảm sâu sắc với nhân vật. Đây là kết quả của một ngày tháng 2/2019, khi rong chơi ở đảo Phú Quý, thuộc tỉnh Bình Thuận, để tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tác, ý tưởng mới về biển. Tác phẩm thể hiện góc khuất hoặc khắc họa chân dung khắt khổ, những sự hy sinh của người phụ nữ ấy, nên khi tôi thực hiện sáng tác thật sự khó khăn và trăn trở. Người phụ nữ tài giỏi, làm nên mọi thứ, nhưng đã chia sẻ hết cho người chồng phản bội cùng cô tình nhân. Chị Thắm ở trong ngôi nhà nhỏ, bốn vách tường nứt nẻ, dường như có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Chị Thắm chia sẻ: “Chị xem như mình trả nợ ơn tình kiếp trước vậy”. Ý nghĩa tác phẩm mà tác giả mong muốn gửi gắm đến khán giả đó là dù ở trường hợp nào thì người.

  • (Chi Tham ben hoa) Tác phẩm Chị Thắm bên hoa, sơn dầu, 90 x 60cm, 2019 – 2023

+ Tác phẩm Ngư dân (còn có các tên: Ngư dân cùng những người bạn; Cá về). Từ năm 2 của chương trình đại học tôi đã thích thú khi được tiếp cận thực tế vẽ ở biển Long Hải. Người ngư dân chân chất, làn da rám cháy nhờ nắng biển cùng vị mặn muối. Cái duyên của tôi đến với các anh là bởi có lẽ tôi sinh ra cũng là người lao động tay chân, yêu cái đẹp của sự lao động, cái đẹp của sự gánh vác trách nhiệm của người đàn ông đối với người thân trong gia đình cùng bạn bè, đồng đội, chinh chiến cùng nhau lênh đênh trên biển cả chinh phục sự khắt nghiệt, mang cá về mang niềm vui và hạnh phúc nụ cười trên môi con trẻ, sự dịu dàng, thoáng chút lo lắng khi người chồng ra khơi và trở về của người vợ. Tôi cảm thấy rung động trước sự đẹp đẻ đơn giản đó từ họ. Không ngừng suy nghĩ và vẽ về họ.

  • (Ngu dan) Tác phẩm Ngư dân, sơn dầu, 150 x 500cm, 2019-2024

 

Thục Huy

Bài viết liên quan