Cuộc vận động viết về đề tài thương binh – liệt sĩ đã qua 2/3 chặng đường với hơn 100 bài viết được gửi về từ mọi miền đất nước và cả ở hải ngoại.
Cuộc vận động do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM phối hợp Hội Nhà văn TPHCM và Tạp chí Văn nghệ TPHCM tổ chức, viết về đề tài thương binh – liệt sĩ thể loại ký văn học (đợt 1). Chuẩn bị “tăng tốc” cho chặng cuối (kết thúc nhận bài vào ngày 30/9), sáng 18/7, tại Hội Nhà văn TPHCM, Ban tổ chức đã sơ kết và định hướng nâng cao chất lượng cuộc vận động ở giai đoạn tiếp theo.
Nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ TPHCM, chưa hài lòng với chất lượng nhiều bài viết, ông cho rằng, những bài viết này mang tính kể chuyện nhiều mà thiếu bút pháp văn chương. Công tác truyền thông cũng cần được đẩy mạnh để thu hút thêm nhiều lực lượng, nhất là các cây bút chuyên nghiệp, tham gia.
“Hình như chúng ta chỉ tập trung vào các liệt sĩ trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước. Trong khi liệt sĩ là tất cả những người đã hy sinh thân mình vì đất nước. Những người đã ngã xuống ở chiến trường Tây Nam, trên đất Campuchia hay nằm lại chiến trường Vị Xuyên, từ cuộc chiến biên giới phía Bắc vẫn chưa thấy đề cập. Rồi các liệt sĩ trong thời bình đã hy sinh ở nơi đảo xa, trên các tuyến biên giới hay làm nhiệm vụ giữa đời thường và cả liệt sĩ công an nữa. Tất cả đều cần được ghi nhận” – nhà văn Bùi Anh Tấn nêu ý kiến.
Nhà văn Trần Văn Tuấn cho rằng đây là một đề tài quá quen thuộc và mênh mông. “Đền ơn đáp nghĩa là công việc của toàn Đảng toàn dân, là việc hàng ngày chứ không phải chỉ dịp 27/7. Việc tôn vinh khí phách anh hùng liệt sĩ thì báo chí nào cũng có, hầu như không có gì mới. Vì vậy, để có những tác phẩm đáp ứng yêu cầu cuộc vận động, cần xem xét nhu cầu chung của xã hội. Như hiện nay người ta quan tâm điều gì nhất trong công tác đền ơn đáp nghĩa, cuộc sống của những người đang còn lại như thế nào… Cần khoan sâu vài vấn đề, đào sâu hơn nữa các trầm tích” – nhà văn Trần Văn Tuấn nói.
Nhà văn Trầm Hương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, mong muốn cuộc vận động cần thêm tính phát hiện, cả về câu chuyện, nhân vật và khả năng thể hiện bằng ngôn ngữ. Đặc biệt, qua đó có thể “đốt lên đốm lửa” hay “đánh động” vào sự thờ ơ, vô cảm của một số người đang sống. Nhà văn Trầm Hương cho biết, ở một số nơi, có trường hợp vì sự quan liêu, vô cảm mà những người đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước và gia đình của họ không được bảo đảm quyền lợi. “Chúng ta đang sống để viết tiếp ước mơ của người nằm xuống, vì thế đừng để sự vô cảm làm xói mòn những giá trị” – nhà văn Trầm Hương chia sẻ.
Nhà thơ – nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn cho rằng khác tính chất cuộc thi mang tính chuyên nghiệp, cuộc vận động sáng tác vẫn chủ yếu hướng về xã hội và Ban tổ chức được quyền gợi ý để đạt được mục tiêu đề ra. Để cuộc vận động này có được dấu ấn riêng, Ban tổ chức nên gợi ý hướng đến những vấn đề chưa được khai thác nhiều của đề tài. “Gánh vác chiến tranh là sứ mệnh thiêng liêng cần được tôn vinh nhưng còn việc phải chịu đựng chiến tranh thì sao? Đặc trưng của hậu phương, nhất là miền Nam, là rất nhiều bi kịch, nên chăng hãy hướng đến chia sẻ cùng gia đình, người thân của các anh hùng liệt sĩ – những người còn lại và chịu đựng nhiều nhất?” – nhà thơ Lê Thiếu Nhơn góp ý nâng chất cho chặng cuối của cuộc vận động…
Đông A (Theo PNO)