Cái mũi tẹt “kinh điển” và hãy trở thành độc bản!

Đăng vào: 21/06/22

“Khi tôi được mời đến dự tuyển một công ty người mẫu ở Đức, họ yêu cầu tôi chụp một bức ảnh nghiêng. Nghe vậy, tôi muốn kêu trời. Tôi sở hữu chiếc mũi “kinh điển” của một người Châu Á thuần chủng, đó là chiếc mũi tẹt đến mức không thể tẹt hơn. Mũi tẹt mà chụp ảnh nghiêng, coi như… hỏng! Thế nhưng cuối cùng, tôi lại được mời ký hợp đồng” – Lê Phương Quý, một cựu phóng viên, đã bắt đầu câu chuyện của mình như vậy.

Lê Phương Quý, sinh năm 1993, một đại diện của thế hệ 9X đã đi nhiều nước Châu Âu và mang trong mình ước muốn trở thành công dân toàn cầu. Trước đó, khi từ Hà Tĩnh khăn gói ra Hà Nội theo học, Lê Phương Quý chưa từng nghĩ mình sẽ đi xa đến vậy.

Từ năm 2014-2016, Lê Phương Quý là phóng viên, biên tập viên mảng thời sự quốc tế của kênh truyền hình VTC1. Lê Phương Quý chia sẻ, khi còn làm báo, cô yêu thích công việc bình luận các vấn đề quốc tế, và đưa góc nhìn quốc tế vào những sự vụ xảy ra tại Việt Nam. Nhưng quyết định sang Đức du học đã làm thay đổi tất cả.

Càng tự ti càng tự giới hạn mình

Năm 2017, sang Đức, Lê Phương Quý theo học ngành truyền thông đa phương tiện và Media về chiến lược xây dựng thương hiệu (Senior Brand Strategy). Cô tiếp tục cộng tác với kênh truyền hình VTV4 (Đài truyền hình Việt Nam) sản xuất một số chương trình về cuộc sống của người Việt ở nước ngoài.

Lê Phương Quý vẫn nhớ khi thực hiện talkshow về những người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 khi sinh ra và lớn lên ở Đức, cô đã được gặp những nhân vật thú vị như thế nào – những người đã cho cô câu chuyện cảm hứng, bài học để tiếp tục với chặng đường của chính mình vừa mới bắt đầu ở Đức.

“Khi mới sang Đức, tôi không quen cuộc sống ở đây. Người Đức nghiêng về lối sống cá nhân, họ khá im ắng, không dễ kết bạn. Trong khi, cuộc sống ở Việt Nam của tôi đang tràn ngập màu sắc. Tôi đi học, đi làm luôn có bạn bè ở bên. Chúng tôi đạp xe rong ruổi khắp các ngõ phố Hà Nội. Tôi còn sục sạo với những ban nhạc underground trong các tối Hà Nội đầy cảm xúc. Phải mất một thời gian tôi mới quen với cuộc sống ở Đức. Nhưng tôi vẫn mang theo rất nhiều nỗi lo lắng, không tự tin vào mình” – Phương Quý kể.

Những người từ các nước Châu Á khi sang Đức hay bất kỳ quốc gia phát triển nào ở Châu Âu cũng mang theo “sự lo lắng sắc tộc” như Phương Quý. “Tôi và rất nhiều người luôn nghĩ rằng, chúng tôi không thể xin được việc làm ở Đức. Ngoài tiếng Anh, tiếng Đức, còn rất nhiều kỹ năng sống, kỹ năng làm việc khác, chúng tôi nghĩ mình không thể đáp ứng. Tôi nghĩ sẽ chỉ theo học một thời gian rồi về. Rồi, tôi có bạn trai. Một anh chàng người Ba Lan nhưng sống ở Đức đã rất lâu. Chàng trai người Ba Lan đã động viên, khuyến khích tôi mạnh dạn thử sức. Anh ấy nói rằng, khi tôi càng thiếu tự tin, tôi càng tự giới hạn mình”.

Vài tháng sau, Lê Phương Quý làm việc cho Công ty Mazda Đức. Cô gái trẻ Hà Tĩnh đã thử sức ở nhiều công việc khác nhau tại Đức. Hiện, Lê Phương Quý làm việc cho công ty về xây dựng thương hiệu Roman Klis Design với mức lương cao.

Không giới hạn mình ở mảng truyền thông và xây dựng chiến lược cho các thương hiệu, Lê Phương Quý còn thử sức ở lĩnh vực người mẫu. Cô được mời tham gia buổi casting (tuyển chọn) người mẫu quảng cáo ở một công ty Đức. Lê Phương Quý đến dự tuyển với gương mặt Châu Á tự tin kiêu hãnh, chiếc mũi tẹt “kinh điển” và được mời ký hợp đồng ngay sau buổi casting. Lê Phương Quý coi đây là công việc tay ngang, “làm cho vui” để lấp đầy khoảng trống những “phân khúc rảnh” của thời gian.

“Tôi nhận ra, việc mình nghĩ mình không giỏi – đã là một kiểu tự giới hạn bản thân. Khi đi làm mới thấy, những gì họ làm được, mình cũng làm được. Bây giờ tôi đã có thể tự tin, làm việc được ở bất cứ đâu, và sống được ở bất cứ đâu” – Phương Quý nói.

“Hít hà” những phố phường Hà Nội

Lê Phương Quý miêu tả Berlin – nơi cô đang sống là thành phố cởi mở hiếm có, đa sắc màu, đa văn hóa, đa giới tính. “Ở thành phố này, họ khuyến khích bạn hãy thể hiện mình, hãy trở thành cái tôi đặc biệt, hãy trở thành độc bản khác với tất cả những người khác. Nếu tôi ở một nơi khác, có lẽ tôi đã phải đi sửa mũi. Nhưng ở đây, tôi trúng tuyển người mẫu nhờ cái mũi tẹt của mình”.

Lê Phương Quý đã đi nhiều nước Châu Âu trong những năm học và làm việc tại Đức. Trong ấn tượng của cô gái 9X Hà Tĩnh, Đan Mạch, Thụy Điển có thời tiết lạnh khắc nghiệt, Pháp hào hoa, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha nồng nhiệt, thân thiện…

“Nhưng, tôi rất nhớ nhà. Ở đây, mỗi dịp Giáng Sinh thường rất vui, tràn ngập không khí, sắc màu. Ai nấy đều vội vã thu xếp mọi việc để về sum họp với người thân. Tôi không thích Giáng Sinh vì rất nhớ nhà. Lúc đó, chỉ muốn về nhà. Mấy ngày Tết Dương lịch, anh em chúng tôi sẽ quây quần với nhau ăn uống và kể chuyện ở nhà” – Lê Phương Quý chia sẻ.

Trong ký ức của Lê Phương Quý, thơ ấu là Hà Tĩnh, là Tây Nguyên, và tuổi trẻ – thanh xuân là Hà Nội.

“Mấy hôm trước, ông CEO ở công ty tôi nói rằng, tôi có cuộc sống rất lạ. Thời nhỏ, tôi theo bố mẹ vào Tây Nguyên làm kinh tế mới. Anh, chị tôi ở lại Hà Tĩnh với ông bà. Cuộc sống ở Tây Nguyên không ổn định, phải di chuyển liên tục, vì vậy tôi không đến trường như các bạn cùng trang lứa. Mẹ dạy tôi học ở nhà. Tạm gọi cho oai là “homeschool”. Đến khi có chỗ ở cố định, tôi mới được đến trường. Sau khi kiểm tra kiến thức, thầy cô xếp tôi vào học lớp 3. Vậy là, lớp 3 chính là lớp học đầu tiên của tôi khi tôi đến trường”.

Bắt đầu một hành trình từ những điều “lạ” ấy, đến mãi sau này, vẫn luôn là dấu ấn và nỗi nhớ thơ ấu của Phương Quý. Ở Berlin, công việc, thu nhập, cuộc sống đều đang tốt. Nhưng Phương Quý vẫn nghĩ đến một ngày không xa sẽ về Hà Nội. “Tôi muốn lắm. Tôi muốn về Việt Nam làm việc. Khi đó tôi có thể nhận các dự án, và bạn trai cũng có thể thu xếp được công việc”.

“Tôi nhớ Hà Nội. Người Đức rất thích đi du lịch ở Việt Nam, bởi người Việt thân thiện, hòa nhã và tình cảm. Với người Việt mình, lần đầu gặp nhưng cư xử như đã quen thân từ lâu. Đồ ăn ngon luôn có sẵn, bước ra phố là có. Tôi đi nhiều nơi, thấy người Châu Âu ngày càng có xu hướng muốn đến Việt Nam. Với tôi, cuộc sống ở đây có thể đủ đầy về vật chất, nhưng không đủ vui. Chỉ về nhà, về Việt Nam mới đủ vui, và tôi sẽ về trong tương lai” – Phương Quý vừa kể về lý do người Đức thích đến Việt Nam, về lý do cô muốn trở về, vừa nhắc nhớ những kỷ niệm đã có ở Hà Nội.

Thời sinh viên, khi theo học khoa Quốc tế học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Phương Quý ở trên phố Nguyễn Công Trứ, gần khu Lò Đúc.

“Tôi vẫn nhớ mùi vị của từng con phố ở Hà Nội. Thời ấy, tôi và những người bạn thường có thú vui chạy xe máy dưới mưa. Cứ đi lang thang, chẳng cần biết sẽ đi đâu. Từ Lò Đúc lên bờ Hồ rồi chạy ra khu phố cổ. Đi qua mỗi phố, tôi đều hít hà mùi vị của con đường, của lá cây, của phố xá. Buổi tối, chúng tôi đi nghe nhạc của các band underground, họ rất tài năng. Tôi muốn về Việt Nam để sống trong tình cảm ấy, để gặp lại những người bạn thanh xuân của mình”.

Và Phương Quý nói, “Đôi khi ước mơ của tôi rất đơn giản, đó là lại được ngồi sau xe đứa bạn, chúng tôi rong ruổi khắp các ngõ phố Hà Nội, chẳng cần biết là đi đâu, chỉ cần đi với nhau như thế, và hít hà mùi vị phố phường, mùi vị của thanh xuân xa lắc, mùi vị của nỗi nhớ”./.

Theo Hào Hoa (Lao Động)

Bài viết liên quan

Chung kết cuộc thi Pre-Court for Gifted Lawyer

Hành trình tìm kiếm những tài năng pháp luật trẻ sôi động và đầy cảm hứng với sự kết hợp giữa Câu lạc bộ Luật Gia Trẻ của Trường Đại học Luật Hà Nội và Vinschool, cuộc thi Pre-Court for Gifted Lawyer đã trở thành một sân chơi học thuật...