Nghệ nhân Lê Thị Quỳnh Trang: Mang văn hóa cung đình lên tà Áo dài

Đăng vào: 25/01/22

Tuy là ngành nghề truyền thống có tuổi đời ít hơn với các nghề khác nhưng nghề thêu lại có sức hút rất lớn bởi sự độc đáo mang đậm tâm hồn người Việt bao đời. Những sợi chỉ tơ óng ả nhiều màu sắc như cầu vồng qua bàn tay khéo léo của người thợ, nghệ nhân đã tô vẽ lên những tác phẩm đặc sắc làm say đắm lòng người yêu nghệ thuật.

Nghệ nhân Lê Thị Quỳnh Trang, người thổi hồn tạo nên những nét hoa văn thêu rồng phượng trên áo dài mang đậm nét Cung đình

Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống cũng như sự truyền dạy từ mẹ về đan, móc,… nghệ nhân Quỳnh Trang đã phát triển thương hiệu Trần Lê suốt hơn 15 năm qua. Nhắc đến Trần Lê là nhắc tới những sản phẩm dòng khăn chầu áo ngự, áo dài thêu hoa văn rồng phượng mang đậm nét văn hóa cung đình.

Bén duyên với nghề khi còn nhỏ, chị sớm được mẹ chỉ dạy đan, móc rèm che cửa, đế kê,… do thích thú với nghề thủ công truyền thống nên sau khi lớn lên chị quyết tâm theo học và nghiên cứu nghề thêu tay. Vì mẹ là thợ may áo, cha lại là người gốc Huế, nên áo dài truyền thống và văn hóa cung đình đã ngấm vào máu thịt của chị, chị nghĩ chỉ có Áo dài thêu hoa văn rồng phượng mới lột tả được những nét độc đáo của Kinh Thành. Sản phẩm đầu tay chị thêu và rất tâm đắc là áo dài đỏ với hình ảnh cá hóa rồng, sau khi sản phẩm ấy ra đời chị quyết định khởi nghiệp với số vốn… 800 ngàn đồng.

Con đường theo đuổi đam mê càng ngày càng lớn hơn khi chị được thầy là người quen của mẹ – một Việt kiều Pháp về Việt Nam, chị đã mang các mẫu tự tay thêu ra cho thầy xem và nhận xét, bất ngờ thầy đã động viên, khuyên chị nên chọn và phát triển nghề thêu, vì nó phù hợp với chị. Sau đó chị quyết định theo, khách hàng đầu tiên là do thầy giới thiệu là những người sống tại Pháp và Mỹ, đó là khách hàng có mối thâm tình với thầy. Để có thể tốt cho việc xuất khẩu ra nước ngoài, chị quyết định thành lập xưởng thêu, gồm 3 người: 1 thiết kế mẫu, 1 thêu tay và 1 thêu máy, do chưa có kinh phí nhiều nên phần lớn mọi người mang về nhà gia công.

Sau một thời gian khi khách hàng đã biết đến sản phẩm thêu của chị thì chị tiếp tục mở xưởng thêu, thuê thêm nhân công và lấy thương hiệu Trần Lê, tên ấy được ghép họ vợ và chồng với mong muốn “Thuận vợ thuận chồng” công việc sẽ “Thuận buồm xuôi gió” cho tới nay xưởng phát triển hơn 15 năm.

Đối với chị chuẩn mực sản phẩm dựa trên các yếu tố như vải, chỉ, mẫu mã và đường nét thêu. Với mẫu mã sẽ được thêu theo nhu cầu, có những mẫu chỉ độc quyền dùng một lần sau đó là hủy mẫu luôn. Với chất liệu (chỉ, vải) ngày một phong phú giúp cho việc sáng tạo ra những sản phẩm đặc sắc, độc đáo, được khách hàng đón nhận nhiều hơn.

Với những sản phẩm áo dài cần các mẫu rồng hoặc phượng hay hoa, người thợ thêu có khi phải mất cả tháng, lựa chọn từng loại chỉ màu phù hợp, khéo léo trong từng mũi kim để tạo những mảng màu thể hiện được đúng bản sắc văn hóa cung đình thời cha ông.

“Để tạo được một sản phẩm áo dài thêu tay hoàn mỹ, người thợ phải dùng đúng loại chỉ truyền thống được nhuộm từ màu của cỏ cây thiên nhiên, đó là chỉ tơ tằm với độ óng mịn đặc trưng để tạo cho các sản phẩm áo dài với những hình ảnh rồng phụng sống động mang màu sắc tự nhiên nhất. Đặc biệt, người thêu áo dài vừa phải có lòng đam mê vừa có năng khiếu về hội họa. Có như vậy, đường nét uyển chuyển và cái hồn chưa đựng trong sản phẩm mới được chuyển tải ở nhiều sắc độ”, chị Quỳnh Trang nhấn mạnh.

Không chỉ là những đường kim mũi chỉ, sản phẩm thêu tay cũng phải thể hiện được những thăng trầm của thời gian, tái hiện những biến cố của lịch sử. Đồng thời, mỗi bức tranh thêu chỉ còn ẩn dấu vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, vẻ đẹp mộc mạc, giản dị xen lẫn bản tính nhân văn của người Việt. Trong suốt 15 năm qua chị đã có những sản phẩm mẫu thêu nhận được sự yêu thích của rất nhiều khách hàng như: Cá hóa rồng, thất phượng, mẫu long, mẫu phượng,… phần lớn mẫu thêu chủ yếu là long phượng vì nó tượng trưng cho quyền uy của cung đình.

Thương hiệu Trần Lê bắt đầu chỉ chuyên về thêu áo dài, áo dài cao cấp sau này chị mở rộng thêm tranh thêu. “Đối với áo dài tôi đi theo cổ điển rồng phượng là chính, để phục vụ cho sân khấu chầu văn, còn tranh mang hơi hướng hiện đại nhiều hơn ví như tranh đồng quê hơn. Để phát triển thương hiệu trong tương lai Trần Lê cần cải tiến mẫu mã, giá thành phải hợp lý hơn để cho nhiều người có thể sự dụng. Là dòng rất kén khách phải dành cho khách hàng vững về kinh tế, thứ hai là họ am tường và hiểu về thêu”, nghệ nhân Quỳnh Trang chia sẻ thêm.

 

Trang phục: Trần Lê

Model: Lê Hương, Hương Giang

Photo: Hồ Sơn

Make up: Quỳnh Lê

Lê Nhân (TTV)

Bài viết liên quan