Tiệm hoa giấy mang hy vọng của cô gái xương thủy tinh

Đăng vào: 18/03/21

Đối với Thùy Trang (sinh năm 1999), tiệm hoa giấy là nơi khởi nguồn của niềm tin và giúp cô truyền đi năng lượng sống.

Nguyễn Thùy Trang (An Giang) mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Trong thời gian dài, mọi sinh hoạt của cô phải phụ thuộc vào người thân. “Mình từng trải qua khoảng thời gian khủng hoảng tâm lý, luôn thu mình lại, ngồi một góc phòng vì sợ hãi ánh nhìn, lời nói của những người xung quanh”, Trang chia sẻ.

Nguyễn Thùy Trang – cô gái xương thủy tinh sống lạc quan sau thời gian dài tự ti.

5 năm trước, tình cờ xem một clip hướng dẫn làm hoa giấy, cô bắt đầu thử sức và gắn bó với việc làm đồ handmade đến nay. Đối với cô gái cao 70 cm, đây không chỉ là sở thích hay đem lại nguồn thu nhập hàng ngày, mà còn giúp cô có thêm hy vọng sống.

“Hãy chấp nhận chính mình”

Sống chung với căn bệnh xương thủy tinh hơn 20 năm, Trang vẫn ám ảnh bởi những đau đớn do bệnh tật hành hạ, đôi khi chỉ cần va chạm nhẹ cũng khiến cô bị gãy xương.

Căn bệnh cũng khiến cho vẻ ngoài của Trang không phát triển như người bình thường, chỉ nặng 20 kg và cao 70 cm. “Nhiều khi mình cảm thấy bất lực, như là gánh nặng của gia đình. Dù đã cố gắng tự làm nhưng cả đến sinh hoạt cá nhân cũng phải nhờ người thân giúp”, Trang tâm sự.

Suốt mười mấy năm, cô cũng đối diện không ít lời bàn tán, kỳ thị. “Hồi nhỏ, có người đến nhà nói với ba mẹ mình: ‘Nhìn nó đáng sợ vậy mà sao dám nuôi’ hay ‘Người thân mà không còn thì nó chỉ có lết ra đường xin ăn, bán vé số'”, Trang kể.

Tuy nhiên, Trang chưa từng đầu hàng số phận. Ngày bé, thấy các bạn đi học, cô nhất quyết thuyết phục gia đình cho học chữ. Thương con, bố mẹ cũng thuê gia sư dạy tại nhà. Nhờ vậy, Trang có thể đọc thạo, tìm hiểu kiến thức qua mạng xã hội, báo chí, sách vở. Đến nay, Trang có thể tự chăm sóc cho bản thân, biết cách để hạn chế gãy xương.

“Mình dành thời gian để làm những việc trong khả năng và không còn cảm thấy tự ti hay bất hạnh. Vì chỉ khi bản thân thật sự hạnh phúc mới có thể tạo nên điều kỳ diệu”.

Mỗi bông hoa là một câu chuyện

Sau khi biết đến đồ handmade và cảm thấy công việc này phù hợp, Trang dành nhiều thời gian tìm tòi và quyết định theo đuổi một cách nghiêm túc.

Để làm hoa giấy, cô đặt mua nguyên liệu và xem hướng dẫn trên mạng. Để có một sản phẩm đẹp mất rất nhiều thời gian, phải tỉ mỉ trong từng công đoạn. Trung bình, một bông hoa dù đơn giản nhất cũng mất một giờ đồng hồ.

Trang tìm hiểu các kiểu mẫu mới trên mạng, tham khảo thêm các trang ở nước ngoài, tự mày mò để sáng tạo nhiều kiểu dáng độc lạ.

Cơ thể biến dạng từ hàng trăm lần gãy xương phần nào khiến cho công việc của Trang thêm phần khó khăn. Từ việc cắt tỉa, uốn nắn cô cũng mất đến vài tháng để làm quen. Khi làm việc, ngồi một tư thế trong nhiều giờ đồng hồ cũng khiến cô đau mỏi, bàn tay yếu ớt nhiều khi bị tê cứng do cầm kéo quá lâu.

Sau thời gian dài nỗ lực, 3 năm trở lại đây, các sản phẩm của Trang đã đến với nhiều người hơn. Cô gái sinh năm 1999 say mê tìm hiểu các kiểu mẫu mới trên mạng, học thêm các trang ở nước ngoài để tham khảo, tự mày mò sáng tạo kiểu dáng độc lạ.

“Hoa giấy rất lạ ở chỗ không có cái nào quá khó, cũng không quá dễ. Vì làm một bông hoa có thể khá đơn giản nhưng để cắm chúng vào lọ, vào chậu làm sao cho tự nhiên, mềm mại, sống động và giống thật không phải dễ”.

Kể từ ngày được nhiều người ủng hộ, cô càng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của cuộc sống. Hiện, Trang là chủ một tiệm hoa giấy online.

Phòng khách ở nhà cũng chính là nơi làm việc của Trang suốt 5 năm nay. Cô chủ yếu bán thông qua mạng xã hội, khách hàng đặt mua đến từ nhiều nơi. Ngoài hoa giấy, Trang còn thử sức với nhiều thể loại handmade như thiệp mời, phong bao lì xì, chặn giấy. Giá bán cũng phong phú, có thể dao động từ 80.000 đồng đến 1 triệu đồng/sản phẩm.

“Với nhiều bạn, có việc làm là điều rất bình thường, nhưng với mình, có thể tự kiếm ra đồng tiền, được lao động là một món quà, mình phải cố gắng hết sức, làm được tới đâu hay tới đó. Nhưng trong khi làm, mình cũng cố gắng giữ sức khỏe, không làm phiền tới gia đình”.

Đằng sau những bông hoa được Trang tự tay làm là rất nhiều câu chuyện, thông điệp mà cô muốn gửi gắm.

“Những người khuyết tật như mình luôn muốn được sống tự lập, có thể tìm được động lực sống mỗi ngày. Mình ước mơ một ngày có thể ổn định tay nghề, chia sẻ với những bạn cùng cảnh ngộ. Bông hoa của mình có thể không đẹp nhất, nhưng sẽ là bông hoa truyền cảm hứng và mang năng lượng tích cực nhất”./.

Phương Dung

Bài viết liên quan

Chung kết cuộc thi Pre-Court for Gifted Lawyer

Hành trình tìm kiếm những tài năng pháp luật trẻ sôi động và đầy cảm hứng với sự kết hợp giữa Câu lạc bộ Luật Gia Trẻ của Trường Đại học Luật Hà Nội và Vinschool, cuộc thi Pre-Court for Gifted Lawyer đã trở thành một sân chơi học thuật...