Phạm Tuyết Hường: Nhà biên kịch yêu trẻ, đam mê nữ công gia chánh

Đăng vào: 24/02/22
Thích vẽ từ khi còn nhỏ, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên Phạm Tuyết Hường không thể tham gia lớp học vẽ chuyên nghiệp mà tự mình mày mò vẽ, vẽ công chúa, vẽ truyện tranh, vẽ váy áo. Không ngờ sau này, từ vẽ truyện tranh, Tuyết Hường trở thành nhà biên kịch của nhiều bộ phim triệu view như Truy tìm kho báu, Mỹ nhân xuyên không, Yêu là quay lưng…

Từ vẽ công chúa, Tuyết Hường phác thảo ra những mẫu thiết kế thời trang. Năm 2022, Tuyết Hường đang ấp ủ dự án về cổ phục Việt và thực hiện một bộ phim cổ trang dành cho thiếu nhi, với các trang phục do chính mình thiết kế.

Chào Phạm Tuyết Hường, là người đa năng trong mọi lĩnh vực như viết sách, viết báo, làm đồ thủ công, biên kịch của những bộ phim triệu view nhưng chị muốn mọi người nhớ đến mình trong hình ảnh nào nhỉ?

Thực ra, Hường chỉ muốn mọi người nghĩ đến mình như là một cô Bum (tên thân mật) thân thiện, luôn nhiệt tình và hết mình, hihi.

Hướng dẫn cộng tác viên viết báo, viết kịch bản phim, lên đề cương, viết, sửa kịch bản phim, viết sách, làm các sản phẩm handmade, viết báo và làm công tác xã hội… nhìn khối lượng công việc “khổng lồ” như vậy, chị phân bổ quỹ thời gian của mình như thế nào nhỉ?

Hường có một cách như vậy, buổi tối trước khi ngủ, mình thường rà lại những việc mình cần làm, ghi ra danh sách, sau đó xem xét những việc gì cần phải làm trước, cần ưu tiên trước để xử lí. Như vậy, chị vừa không bị quên việc, vừa có thể xử lí mọi thứ một cách gọn gàng.

Ngoài ra, may mắn của mình là có được những cộng sự, học trò ngoan ngoãn và chịu khó, vì thế nếu việc quá nhiều trong cùng một thời điểm, Hường có thể sắp xếp, phân chia công việc cho mọi người, mình sẽ kiểm tra, giám sát, chỉnh sửa. Như vậy, mọi thứ vẫn có thể đảm bảo deadline.

Từ nhỏ chị đã mê mẩn thêu thùa, nữ công gia chánh nhưng có sự cố nào trong cuộc đời khiến chị “quay xe” qua học báo chí và thành công ở biên kịch phim như bây giờ?

Mẹ Hường là giáo viên nữ công gia chánh. Ngay từ lúc còn nhỏ xíu, mình đã quen thuộc với các hình ảnh sản phẩm: bánh kem, rau củ được tỉa, các mẫu thêu thùa… được mẹ in ra và dán khắp nhà. Đồ chơi mình thích nhất ở tuổi thơ chính là những cuốn sách có in các mẫu thêu của mẹ. Mình mê mẩn vẽ theo. Lên lớp 9 học thêu, Tuyết Hường đắm chìm vào đó, không biết là mình đã thêu bao nhiêu chiếc khăn tay. Tới lớp 12 học may, ban đầu muốn tẩu hỏa luôn vì khó quá, nhưng vì mong ước có thể may đồ cho gia đình, mình đã quyết tâm tập trung học hơn, kết quả mình là 1 trong 2 người tốt nghiệp Nghề loại giỏi. Sản phẩm đầu tay là áo trắng và “model” chính là em gái mình. Và bộ sưu tập đầu tay do mình thiết kế đã được may thành sản phẩm vào năm 18 tuổi, được đăng trên báo Mực Tím, đó là những chiếc váy đỏ caro, chào mừng năm mới. Hiện Hường đang thực hiện một bộ sưu tập mới, lấy cảm hứng từ các chiến binh thủy thủ xinh đẹp, vừa mạnh mẽ nhưng cũng đầy chất thơ. Mong là các bạn gái nhỏ sẽ đón nhận và yêu thích.

Nhưng những môn như Thêu, May lúc đó với Hường giống như môn bổ trợ, đam mê lớn nhất của mình vẫn là viết lách. Thành ra mình vẫn đi theo tiếng gọi con tim. Sau khi sống hết mình với nghề báo, mình mới muốn thực hiện đam mê thứ hai là trở thành biên kịch phim. Sau nhiều năm viết phim, mình lại muốn thử sức ở vai trò sản xuất phim. Cũng từ đó, mình có dịp sống lại sở thích khi xưa, thăng hoa với những ý tưởng trang phục sẽ được sử dụng trong các phim mình sản xuất.

Ngoài ra, là một người thích khám phá, tìm tòi và trải nghiệm, Hường rất thích cảm giác làm thành công một cái gì mới, nhất là nó thuộc phạm trù yêu thích của mình. Và điều mình nhận thấy, chính là mọi thứ thực sự không tách rời nhau, mà đều có sự bổ trợ cho nhau. Giống như kiểu vì làm báo, đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên phim của Tuyết Hường luôn sống động, có chất thực tế. Vì làm phim, Hường mới có cơ hội hiểu hơn về nghề, thử sức ở vai trò sản xuất, rồi mới có cơ hội được sáng tạo trong các trang phục cho phim…

Thời gian qua chị rất bận bịu cho những dự án về trẻ em, thiếu nhi, vì sao chị lựa chọn trẻ em mà không phải đối tượng khác? Khi làm việc với các bé cảm xúc của chị như thế nào nhỉ?

Hường cực kì yêu trẻ con. Đối với mình, thế giới tuổi thơ là một thế giới vô cùng phong phú. Trẻ con yêu thì nói yêu, ghét thì nói ghét, chân thực và trong sáng. Tính mình không thể thảo mai, khá thẳng thắn, nên thấy mình hợp với môi trường trẻ con hơn. Hơn nữa, khi làm báo, mình cũng làm báo cho thiếu nhi. Tình yêu dành cho thiếu nhi giống như ăn vào máu rồi, nên Hường rất thích làm những dự án dành cho trẻ con. Không chỉ viết báo, các sách của Hường cũng đa phần là viết cho thiếu nhi, những bộ phim Hường sản xuất hay các chương trình âm nhạc – thời trang cũng thế. Tiếp xúc với thiếu nhi, Hường có rất nhiều cảm xúc: vui vẻ, dễ thương, đặc biệt là mình cũng khá hiểu các bé. Hường cảm thấy làm việc với trẻ con, không chỉ giúp mình vui hơn, tinh tế hơn, đặc biệt còn trẻ hơn (hihi).

Được biết chị đang ấp ủ dự án sách Dự án cổ phục dành cho thiếu nhi, tại sao chị lựa chọn thời trang cổ và lại dành cho thiếu nhi mà không phải thanh thiếu niên?

Hường yêu cổ phục, yêu lịch sử và những gì xưa cũ, và việc lan tỏa tình yêu cổ phục Việt, sẽ rất ý nghĩa, ấn tượng nếu xuất phát từ thiếu nhi. Giống kiểu ươm cây từ những hạt mầm vậy, chăm sóc từ những hạt mầm, cây sẽ phát triển tươi tốt. Hơn nữa, hình ảnh các bé mặc cổ phục cực kì dễ thương, dễ dàng chiếm được thiện cảm của mọi người, sự lan tỏa sẽ càng rộng lớn, vì thế Hường chọn lứa tuổi thiếu nhi chứ không phải thanh thiếu niên.

Trước đây chị từng khiến cho nhiều người xuýt xoa về BST búp bê bằng giấy, giờ chị còn lưu giữ nữa không? Chị có định là sẽ tổ chức một chương trình để “khoe” những sản phẩm chị làm trong thời gian qua?

Búp bê giấy vẫn được trưng bày ở nhiều góc trong nhà Hường. Khi có thời gian rảnh, mình vẫn làm. Đặc biệt, là vẫn có nhiều người đặt hàng, nhất là ở nước ngoài, nếu sắp xếp được, mình vẫn làm gửi họ. Thời gian tới sắp tới, Hường dự tính sẽ làm một bộ sưu tập búp bê giấy mặc cổ phục Việt, vì trước đây, mình đã làm 17 bé búp bê mặc trang phục dân tộc theo đơn đặt hàng của một cô giáo dạy mẫu giáo ở Tây Nguyên.

Làm nhiều lĩnh vực mà lĩnh vực nào cũng thành công, chị muốn chia sẻ những kinh nghiệm gì với các bạn trẻ?

Hường nghĩ, khi mình có mơ ước thì hãy cố gắng thực hiện nó. Con đường mình đi, chắc chắn có nhiều chông gai, nhưng đó chính là những điều giúp mình trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn. Và dù, có thất bại đi chăng nữa, mình cũng không hối tiếc. Vì tuổi trẻ chẳng bao giờ quay lại, hãy dùng nó để thực hiện mơ ước của mình.

Bên cạnh đó, khi làm bất cứ việc gì, đầu tiên, hãy làm bằng cái tâm, có như thế, bạn mới có thể cống hiến, hi sinh, nỗ lực hết mình vì nó. Nếu chỉ làm vì dành tiếng, tiền bạc… mà hời hợt thì bạn sẽ khó mà thành công, cho dù bạn có may mắn toả sáng thì cũng sẽ dễ lụi tàn./.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị!

Theo TTV

Bài viết liên quan

Siêu mẫu Naomi Campbell: Con cái là phước lành

“Báo đen” Naomi Campbell, 54 tuổi, hạnh phúc khi làm mẹ, thường đưa các con du lịch thế giới nhân những chuyến công tác. Trên Harper’s Bazaar Mỹ ngày 14/8, Naomi Campell có bài phỏng vấn về con đường trở thành huyền thoại làng mẫu cùng chuyện có con ở tuổi ngoài...